Thế giới đang bùng phát một ‘dịch bệnh thầm lặng’: Cả tôi và bạn đều là ‘bệnh nhân’ mà không biết

Ước tính cứ 4 người lớn thì có 1 người mắc “căn bệnh” này.

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố cô đơn là mối đe dọa sức khỏe  toàn cầu cấp bách, khi các bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ cho biết tác động tử vong của nó tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Có thể nói, cô đơn là một “đại dịch thầm lặng” đang hủy hoại sức khỏe tinh thần của rất nhiều người trong chúng ta.

Ước tính khảo sát toàn cầu hiện tại cho thấy cứ 4 người lớn thì có 1 người trải qua tình trạng cô lập xã hội và từ 5% đến 15% thanh thiếu niên trải qua cảm giác cô đơn.

Mạng xã hội, điện thoại thông minh và Internet đã thu hẹp khoảng cách kết nối giữa con người với nhau, nhưng tại sao ngày nay lại có nhiều người cô đơn hơn, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen

Nỗi cô đơn len lỏi trong thế giới siêu kết nối

Khi 8 chú mèo con trèo lên người anh Christopher Choy (39 tuổi) trong lúc đang chăm sóc cửa hàng thú cưng của mình, ánh mắt anh vẫn toát lên vẻ u sầu. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNA TODAY, người đàn ông Singapore này thừa nhận: Anh cảm thấy cô đơn.

Điều này đã diễn ra trong suốt 5 năm, kể từ khi Choy tự mình thành lập và xây dựng doanh nghiệp nhân giống mèo. Hầu hết các công việc hàng ngày của anh đều diễn ra trong cô độc, anh thường ăn trưa một mình. Bạn bè của anh bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình, họ có rất ít thời gian để gặp gỡ.

“Có một khoảng trống. Tôi đoán cảm giác đó giống như bạn đang thiếu một thứ gì đó và bạn cần phải có một kết nối hoặc một hướng đi nào đó.”

Để thoát khỏi nỗi cô đơn, anh đã cố gắng kết bạn trực tuyến trên nền tảng nhắn tin. Tuy nhiên, anh nói rằng “bản chất của những mối quan hệ này rất phù du”, bởi vì sau một thời gian, họ sẽ đơn giản là offline và biến mất, không bao giờ liên lạc lại.

Điều trớ trêu là anh Choy không hề đơn độc trong sự cô lập của chính mình. Mặc dù sống trong một xã hội siêu kết nối, nơi mọi người chỉ cách nhau một tin nhắn văn bản, nhưng cô đơn lại là một “đại dịch thầm lặng”, như cách anh Choy ví von.

Một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Chính sách thực hiện vào đầu năm nay cho thấy những người trẻ tuổi từ 21 đến 34 tuổi là những người trải qua mức độ cô lập xã hội và cô đơn cao nhất. Trong số những người được hỏi thuộc nhóm tuổi này, hơn một nửa cho biết đôi khi họ cảm thấy lo lắng khi nói chuyện trực tiếp với mọi người và thấy việc giao tiếp trực tuyến dễ dàng hơn.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người từ 35 đến 49 tuổi ít cô đơn hơn, trong khi những người được hỏi thuộc nhóm tuổi từ 50 đến 64 tuổi là ít cô đơn nhất.

Giới trẻ – Nạn nhân của “đại dịch cô đơn”

Lý do khiến những người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z cảm thấy cô đơn, cũng như những nguy hiểm của tình trạng cô lập xã hội kéo dài, đã được chương trình Talking Point của CNA khám phá gần đây.

Tiến sĩ Sanveen Kang, nhà tâm lý học lâm sàng hàng đầu từ phòng khám tâm lý chuyên khoa Psych Connect, nói với CNA TODAY rằng cô đơn dẫn đến “nguy cơ gia tăng trầm cảm, lo lắng và cảm giác vô vọng”. Bà nói thêm: “(Nó) cũng có thể tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức, gây khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định”.

Hầu hết những người tự nhận là cảm thấy cô đơn được phỏng vấn đều đưa ra lý do mình thấy cô đơn vì nhiều hoàn cảnh cá nhân khác nhau, nhưng phải đối mặt với những thách thức tương tự khi cố gắng thoát khỏi sự cô độc không mong muốn này.

Nhà tâm lý học lâm sàng Geraldine Tan, từ trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần The Therapy Room, cho biết hoàn cảnh cá nhân hoặc các yếu tố tình huống khiến một người cảm thấy cô đơn sẽ không giống nhau trong mọi trường hợp. Ví dụ, những trải nghiệm đau buồn như bị bạo hành gia đình hoặc mất đi người thân có thể khiến một người cảm thấy cô đơn vì họ có thể nghĩ rằng người khác không hiểu những gì họ đang trải qua.

Tiến sĩ Tan cho biết thêm, một “bức tường” được dựng lên khi mọi người tin rằng không có ai có thể đồng cảm với trải nghiệm của mình. Điều này khiến họ tách biệt với những người khác, những người thực sự có thể đưa ra sự hỗ trợ mà họ tìm kiếm.

Đồng tình với ý kiến này, nhà thiết kế sản phẩm Toby Gail (26 tuổi) cho biết cô bắt đầu cảm thấy cô đơn sau khi trở thành người chăm sóc cho người bà mất trí nhớ của mình. Cô nói thêm: “Việc tìm kiếm những người trẻ tuổi khác đồng cảm với trải nghiệm làm người chăm sóc là rất hiếm”.

Cô Gail cho biết cả gia đình cô sống xa nhau do mối quan hệ căng thẳng, trong khi hầu hết những người trong các mối quan hệ xã hội của cô “lớn lên trong những gia đình tương đối ổn định”, vì vậy cô cũng cảm thấy bị xa lánh vì có hoàn cảnh khác biệt.

Đối với kỹ sư dịch vụ hiện trường Kieran De Souza (42 tuổi), anh cho biết mình cảm thấy cô đơn khi ở giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời vào năm 2021. Vào thời điểm đó, anh đang trải qua cuộc ly hôn. Cha anh đã đuổi anh ra khỏi nhà để bán nhà và nghỉ hưu ở Việt Nam. Trên hết, anh phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn trong khi làm những công việc lặt vặt.

Vào thời điểm đó, De Souza cảm thấy sợ hãi và tin rằng anh không còn hy vọng gì nữa. Anh không muốn làm phiền bạn bè với những vấn đề của mình vì cảm thấy rằng họ đang phải bận tâm đến con cái và cuộc sống của chính họ.

Anh cố gắng hết sức để thật bận rộn, bởi vì khi anh nghĩ về việc mình cô đơn như thế nào, anh sẽ bắt đầu khóc. Ngày nay, mọi thứ đang dần tốt đẹp hơn – De Souza đã có bạn gái khiến anh ấy hạnh phúc, mặc dù anh vẫn phải vật lộn với chứng lo âu và trầm cảm.

Còn đối với nhân viên bảo vệ Muhammad Arif Ong (27 tuổi), ca làm việc kéo dài 12 tiếng đồng hồ khiến anh hầu như không có năng lượng để giao tiếp xã hội sau giờ làm việc. Anh đã nhiều năm không gặp bạn bè và dành chút thời gian rảnh rỗi ít ỏi cho các trò chơi điện tử.

Anh nói: “Hầu hết thời gian, tôi đi làm, về nhà, ngồi máy tính vài tiếng rồi ngủ. Thức dậy và lặp lại 5 hoặc 6 ngày mỗi tuần”.

Anh cũng cảm thấy khó kết nối với đồng nghiệp, những người hoặc là lớn tuổi hơn anh rất nhiều hoặc đến từ Malaysia. “Có một số rào cản nhất định do khác biệt quốc tịch. Họ không có xu hướng hòa nhập vì họ có nhóm riêng.”

Kết nối ảo – Liệu pháp chữa lành hay “con dao hai lưỡi”?

Hầu hết những người phỏng vấn với CNA TODAY về cảm giác cô đơn của họ đều cố gắng tạo dựng tình bạn mới qua Internet, bởi vì có vẻ như đó là một giải pháp dễ dàng. Xét cho cùng, sự phổ biến của thiết bị di động, mạng xã hội và ứng dụng “gặp gỡ” đã giúp việc tham gia các cộng đồng ảo trở nên thuận tiện hơn trước.

Anh Ong, nhân viên bảo vệ cho biết mặc dù các trò chơi điện tử trực tuyến đã cho phép anh gặp gỡ những người chơi trên  toàn thế giới, nhưng những kết nối này có xu hướng “biến mất rất dễ dàng”.

“Khoảnh khắc mọi người bận rộn, họ sẽ ngừng chơi. Và khi họ ngừng chơi, họ sẽ không nói chuyện nữa và chỉ còn sự im lặng. Họ không online thường xuyên như tôi.”

Khi được hỏi tại sao sự kết nối kỹ thuật số trong xã hội ngày nay vẫn chưa thể xoa dịu nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết rằng những tương tác kỹ thuật số online thường hời hợt, mặc dù chúng rất dễ tiếp cận.

Nhà tâm lý học lâm sàng Haikal Jamil cho biết nhiều tình bạn trực tuyến thường thiếu chiều sâu cảm xúc mà các tương tác trong đời thực mang lại: “Các kết nối trực tuyến có xu hướng tập trung vào các trao đổi ngắn gọn, hời hợt trên bề mặt như lượt thích, bình luận và tin nhắn ngắn, thay vì các cuộc trò chuyện hỗ trợ.”

Ông nói thêm rằng mọi người có thể tích lũy vô số bạn bè hoặc người theo dõi trực tuyến, nhưng những mối quan hệ này thường không đáp ứng được nhu cầu tình cảm sâu xa hơn của con người. Việc này có thể khiến họ càng cảm thấy bị ngắt kết nối và không được thỏa mãn. Ngày nay, nhiều người cũng đã chấp nhận việc kết bạn online không phải là liều thuốc chữa được việc họ thiếu cơ hội giao tiếp xã hội.

Văn hóa “tự lực cánh sinh” đẩy chúng ta xuống sâu hơn nữa

Một số nhà tâm lý học lâm sàng cũng ghi nhận một xu hướng ngày càng tăng của những người tin rằng họ cần phải tự chủ và quản lý cảm xúc của mình một cách độc lập. Mặc dù bản thân điều này không phải là xấu, nhưng chuyên gia cảnh báo rằng việc quá coi trọng việc chăm sóc bản thân sẽ khiến mọi người thu mình lại và tránh các tương tác xã hội có ý nghĩa với người khác.

Tiến sĩ Kang từ Psych Connect cho biết tự lực cánh sinh và độc lập về cảm xúc là những khái niệm lành mạnh vì chúng phản ánh sự tin tưởng của một người vào sức mạnh nội tại, khả năng phán đoán và khả năng phục hồi của chính họ khi đối mặt với những thách thức.

Tuy nhiên, ông Haikal cho biết rằng việc quá tự lực cũng có thể khiến mọi người kìm nén nhu cầu kết nối với người khác, coi đó là dấu hiệu của yếu đuối. Điều này có thể dẫn đến ít mối quan hệ xã hội thân thiết hơn vì mọi người ưu tiên mục tiêu cá nhân hơn trải nghiệm chung.

“Tư duy này tạo ra rào cản trong việc hình thành các mối quan hệ sâu sắc, nơi các cá nhân ít có khả năng cởi mở hoặc dựa vào người khác để được hỗ trợ khi đối mặt với những thách thức” , ông Haikal nói thêm.

Hơn nữa, Tiến sĩ Kang cho biết chuẩn mực văn hóa “giữ thể diện” khiến mọi người không dám thể hiện sự tổn thương một cách cởi mở hoặc thừa nhận những khó khăn. Việc theo đuổi thành tích, một hình tượng xã hội bóng bẩy sẽ phải trả giá bằng sự cô đơn: “Tiêu chuẩn rằng nên giữ kín các vấn đề của mình có thể khiến mọi người khó cởi mở về những khó khăn cá nhân. Áp lực này càng trầm trọng hơn bởi sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tâm thần, khi việc tìm kiếm sự giúp đỡ có thể bị coi là dấu hiệu của thất bại.”

Ví dụ, khi anh Choy, chủ cửa hàng thú cưng, trải qua thời kỳ ế ẩm, anh thấy khó thừa nhận với bạn bè rằng mình không ổn vì không muốn nhận những lời nhận xét tiêu cực.

Tuy nhiên, anh vẫn chưa từ bỏ việc vượt qua cảm giác cô đơn của mình. Anh Choy đang trau dồi những sở thích như thành lập một ban nhạc jazz cổ điển, một thú vui có thể cho phép anh gặp gỡ những người khác. Phải mất thời gian để tạo dựng những mối quan hệ lâu dài và gắn kết cảm xúc thực sự với những người khác thông qua những buổi gặp gỡ, nhưng anh ấy đang tiếp nhận mọi thứ theo cách của nó.

“Được ra ngoài và hòa nhập với xã hội thật tuyệt” , anh nói.

 

Next Post

Những hình ảnh đầu tiên tại Philippines nơi cơn bão "TRÀ MI" đi qua

T4 Th10 23 , 2024
Nhà chức trách Philippines cho biết, 92 khu vực đang bị ngập lụt và hơn 380.000 người bị ảnh hưởng vì cơn bão nhiệt đới Trà Mi (tên địa phương là bão Kristine) đang chuẩn bị đổ bộ vào nước này. Tờ Philippine Daily Inquirer trích dẫn báo cáo mới […]

Bài Liên Quan