Các xe cấp cứu đã bị ùn tắc hơn 30 phút, khiến tình trạng bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng họ đã không qua khỏi.
Ngày 31/12/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Xe cứu thương bị kẹt cứng trên đường, 2 bệnh nhân tử vong”. Nội dung cụ thể như sau:
Hai bệnh nhân nguy kịch đã tử vong sau khi xe cấp cứu của họ bị kẹt xe trên đoạn Kakkanchery của đường cao tốc đang được xây dựng ở quận Kozhikode, bang Kerala, Ấn Độ. Những người tử vong được xác định là Sulaikha, 54 tuổi và Shajil Kumar, 49 tuổi.
Sulaikha, cư dân làng Edarikode, đang được chuyển từ Viện Khoa học Y tế Malabar (MIMS) ở Kottakkal đến Bệnh viện IQRA ở Kozhikode để được chăm sóc khẩn cấp. Trong khi đó, Shajil Kumar, đến từ làng Vallikkunnu, đang được đưa đến Trường Cao đẳng Y tế Kozhikode từ Bệnh viện Chelari DMS sau khi anh bị ngừng tim. Cả hai bệnh nhân đều qua đời sau khi xe cấp cứu của họ bị chậm hơn 30 phút do tắc đường.
Vụ ùn tắc giao thông xảy ra vào thứ Bảy, ngày 28/12/2024, trên con đường 4 làn xe ở Kakkachery, nơi xe cấp cứu không thể di chuyển do tắc nghẽn.
Bất chấp nỗ lực của các tài xế và người qua đường để dọn đường, xe cứu thương hầu như không thể nhúc nhích.
Tài xế xe cứu thương Nuhmanul Altaf, người chở Sulaikha, cho biết rằng hành trình 45 phút thông thường từ Kottakkal đến Kozhikode đã bị chậm lại nửa giờ, khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn.
Bệnh nhân Sulaikha bị ngừng tim khi kẹt xe và được y tá trên xe cứu thương tiến hành hô hấp nhân tạo. Sau đó, Sulaikha được đưa đến một bệnh viện gần đó, nơi bệnh nhân lại bị ngừng tim một lần nữa. Theo tài xế xe cứu thương, bác sĩ nói rằng nếu Sulaikha được đưa đến sớm hơn 10 phút thì có thể bệnh nhân đã được cứu sống.
Tương tự, xe cứu thương chở Shajil Kumar cũng bị chậm trễ do tình trạng kẹt xe. Tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn khi xe cứu thương bị kẹt gần 1 km. Shajil cũng được đưa đến một bệnh viện tư gần đó, nhưng đã quá muộn.
Người dân địa phương và tài xế xe cứu thương đã bày tỏ lo ngại về việc quản lý giao thông kém trong khu vực, điều mà họ cho rằng đã góp phần gây ra sự chậm trễ.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đã từng đăng tải bài viết với tiêu đề: “Tài xế cứu thương ám ảnh vì bệnh nhân chết trên đường do kẹt xe”. Nội dung cụ thể như sau:
Tình trạng tắc đường ở thủ đô Manila đang cướp đi nhiều sinh mạng khi các xe cứu thương đối mặt với sự trì hoãn nghiêm trọng trong cuộc rượt đuổi với thời gian để tới được các bệnh viện trong thành phố, Hãng tin AFP ngày 9-9 dẫn lại cảnh báo của các bác sĩ.
Số lượng xe quá nhiều, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và việc người sử dụng phương tiện giao thông địa phương thường không chịu nhường đường… nằm trong số những nguyên nhân hàng đầu gây ra thảm kịch trên.
Ông Joseph Laylo, một trợ y và là tài xế xe cứu thương, chia sẻ: “Bạn sẽ cảm thấy vô nghĩa. Khoảnh khắc đó như thể bạn không được trao cơ hội để làm hết năng lực cứu giúp của mình. Nếu giao thông không tệ hại như vậy, chúng tôi đã có thể cứu sống bệnh nhân”.
Một tài xế khác tên Adriel Aragon kể lại ông vẫn còn ám ảnh sau khi để một nữ bệnh nhân nguy kịch qua đời chỉ vì kẹt xe. Đoạn đường di chuyển lẽ ra chỉ mất khoảng 20 phút, nhưng đã lên tới 40 phút khi các bệnh nhân không thể chờ đợi thêm.
“Dù chúng tôi bóp còi cỡ nào đi nữa hay thậm chí dùng còi báo động thì các xe vẫn không nhúc nhích” – Adriel Aragon nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng đó hồi năm 2014.
Khoảng 5 phút trước khi chiếc xe đến được bệnh viện, tim của nữ bệnh nhân đã ngừng đập. Bà được thông báo đã không qua khỏi sau khi được đưa vào phòng cấp cứu.
Hình ảnh các xe cứu thương bị bủa vây 4 phương 8 hướng bởi tình trạng kẹt xe đã gây ra những phản ứng giận dữ trên mạng xã hội Philippines thời gian qua.
Một trong những vụ gây nhiều sự chú ý gần đây là cảnh xe hơi không nhường đường cho một chiếc xe cứu thương đang chở bệnh nhân bị đột quỵ.
Đoạn video được đăng lên Facebook hồi tháng 7 với hơn 3,2 triệu lượt xem, được quay bởi chính một người phụ nữ đang có mẹ nằm trên xe cứu thương này.
“Tôi tức giận dễ sợ. Tôi cũng lo sốt cả ruột vì không thể làm gì với các phương tiện đang chặn lối” – người phụ nữ tên Jing Zamora chia sẻ.
Chuyến hành trình lẽ ra chỉ được tính bằng phút, đã được tính bằng giờ. Mẹ của Zamora đã qua đời tại bệnh viện sau đó.
Ông Aldo Mayor, một quan chức tại Cơ quan phát triển đô thị Manila (MMDA), đã đổ một phần lỗi lên những người lái xe trên đường. Vị này nói: “Đơn giản vì một số người thờ ơ”.
Ông chỉ ra rằng các quy định liên quan tới các xe cấp cứu, gồm một quy định năm 2017 yêu cầu dành làn đường riêng cho xe cứu người, hiếm khi được tôn trọng.
Trong khi đó, một nhà báo tên Vernon Sarne chia sẻ: “Thậm chí khi bạn muốn nhường đường nhưng đường thì chật cứng xe, chúng ta có thể làm gì đây? Xe cứu thương không thể bay được!”.
Theo Hãng tin AFP, vào giờ cao điểm những đoạn đường huyết mạch của Manila bị tắc nghẽn, với một hàng dài xe hơi nối đuôi nhau chờ đợi. Người ta có thể mất tới 3 giờ mới đi được đoạn đường dài 25km.
Là nơi sinh sống của khoảng 13 triệu người, nhưng vùng đô thị Manila có tỉ lệ người sở hữu xe gần 1 phương tiện/người. Theo một nghiên cứu do chính phủ Nhật Bản tài trợ hồi năm 2017, tình trạng kẹt xe đã khiến thành phố này mất đi 67 triệu USD mỗi ngày.
“Tổng thống Rodrigo Duterte đã cam kết sẽ khai thông tình trạng tắc nghẽn của thủ đô. Nhưng đã qua nửa nhiệm kỳ của ông, tuyến đường chính của thành phố – EDSA – vẫn là một bãi đậu xe trong giờ cao điểm” – Hãng tin AFP viết.