Lý do từ chối trả điện thoại gây tranh cãi kịch liệt.
Theo Người đưa tin có bài Làm rơi điện thoại iPhone vào hòm công đức, người đàn ông khóc dở mếu dở khi bị từ chối trả lại. Nội dung như sau:
Câu chuyện bắt đầu tại đền Arunmigu Kandaswami (thành phố Thiruporur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ). Tháng trước, anh Dinesh (Chennai) cùng gia đình đến đây để cầu nguyện. Trong lúc thành tâm khấn vái trước hòm công đức, anh vô tình làm rơi chiếc điện thoại iPhone vào một hòm công đức tại ngôi đền.
Người đàn ông vô tình làm rơi điện thoại vào hòm công đức và không được lấy lại (Ảnh: Mgronline).
Ngay lập tức, anh Dinesh đã trình báo sự việc với ban quản lý đền và mong muốn được nhận lại điện thoại. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của anh, phía nhà đền đã từ chối trả lại. Họ giải thích rằng bất cứ vật gì rơi vào hòm công đức, dù cố ý hay vô tình, đều được xem là vật cúng dâng lên thần linh và không thể lấy lại.
Không bỏ cuộc, anh Dinesh đã gửi đơn lên Bộ Tôn giáo và Ngành Cúng dường Hindu. Nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, nhà đền đã đồng ý thông báo cho anh khi mở hòm công đức.
Đến tháng này, khi hòm công đức được mở, anh Dinesh đã vội vàng có mặt. Dù vậy, phía quản lý đền vẫn giữ nguyên quyết định không trả lại điện thoại. Hy vọng mong manh cuối cùng của anh cũng vụt tắt khi Bộ trưởng Bộ Tôn giáo và Ngành Cúng dường Hindu khẳng định: “Bất cứ thứ gì rơi vào hòm công đức, dù cố ý hay không, đều thuộc về thần linh và ngay cả chính quyền cũng không thể can thiệp”.
Quá bức xúc, anh Dinesh đã cầu cứu cộng đồng mạng. Sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Ấn Độ và gây ra nhiều tranh cãi trái chiều về quy định của nhà đền. Đa số cư dân mạng cho rằng cách giải thích của quản lý đền là không hợp lý.
Hòm công đức bằng kim loại tại ngôi đền Arunmigu Kandaswami (Ảnh: Internet).
Sau cùng, anh Dinesh vẫn không thể lấy lại chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, dù không lấy lại được điện thoại, anh Dinesh vẫn được phép sao chép dữ liệu sang một chiếc điện thoại khác. Về phía cơ quan chức năng cũng cho biết sẽ xem xét việc hỗ trợ và bồi thường cho anh Dinesh.
Theo báo Người đưa tin ngày 31/12 có bài Kinh hãi phát hiện nhà hàng lẩu gom đồ ăn thừa bán lại cho khách. Nội dung như sau:
Cơ quan quản lý thị trường Nam Sung, ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc cho biết vào ngày 2/12 rằng họ đã phát hiện một nhà hàng lẩu tái chế “dầu cũ” còn sót lại và thêm vào nước dùng lẩu để phục vụ khách.
Chính quyền đã tiến hành điều tra nhà hàng sau khi nhận được phản ánh từ một thực khách.
Họ đã thu giữ 11,54 kg mỡ bò tái chế, một trong những thành phần chính của món lẩu cay Tứ Xuyên và Trùng Khánh, trong bếp của nhà hàng.
Họ cũng kiểm tra 4 nồi súp chế biến sẵn có chứa mỡ bò trông khác với mỡ bò đóng gói mà họ mua từ các công ty hợp pháp.
Chủ nhà hàng, họ Chen, thừa nhận rằng họ đã chiết xuất dầu ớt từ nước dùng còn thừa của thực khách kể từ tháng 9 và trộn nó với dầu mới để “làm tăng hương vị của súp” và “cải thiện tình hình kinh doanh ảm đạm”.
Chính quyền đã tịch thu toàn bộ số dầu tái chế và chuyển vụ việc cho sở cảnh sát địa phương để điều tra thêm.
Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc, có hiệu lực lần đầu vào năm 2009, cấm việc tái sử dụng các thành phần thực phẩm còn thừa.
Thêm vào đó, theo quy định, những người trộn nguyên liệu thô có hại vào thực phẩm để bán sẽ bị phạt tiền và phạt tù tới 5 năm.
Cơ quan quản lý thị trường Nam Sung gần đây cũng đã xử phạt một nhà hàng lẩu khác đã sử dụng dầu thừa trong nước dùng kể từ tháng 10/2023.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số người từ Tứ Xuyên và Trùng Khánh, hai tỉnh tây nam Trung Quốc nổi tiếng với món lẩu cay, cho biết các nhà hàng lẩu thường trộn dầu cũ với dầu mới và điều này làm tăng thêm hương vị.
Một cư dân mạng đến từ Trùng Khánh cho biết: “Đây là một “bí mật công khai” giữa những thực khách địa phương, nhưng chúng tôi vẫn đến các nhà hàng lẩu vì lẩu không có dầu cũ thì không ngon”.
“Lý do khiến nước dùng lẩu đóng gói không ngon như ở nhà hàng là do “thiếu” dầu tái chế”, một người khác ở Tứ Xuyên cho biết.
Có ý kiến thì cho biết có thể chấp nhận tái chế dầu cũ nhưng dầu phải được “lọc và đun nóng ở nhiệt độ cao”.
Một số người khác bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm: “Tôi đặc biệt lo ngại về nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm từ việc sử dụng thực phẩm tái chế”.
Trước đó, dư luận Trung Quốc từng bức xúc trước vụ việc đầu bếp trộn thuốc kháng sinh vào 1.600 suất ăn phục vụ khách hàng.
Theo đó, Tòa án thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đã tuyên án đầu bếp họ Sha cùng đồng nghiệp họ Fu lần lượt 2 năm và 18 tháng tù giam về tội sản xuất – bán thực phẩm độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, SCMP đưa tin.
Theo tờ Modern Express, bản án của họ đã bị hoãn lại trong một khoảng thời gian không xác định. Ngoài ra, hai người này bị phạt tổng cộng 160.000 nhân dân tệ (22.000 USD) và phải xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Sha và Fu bị bắt sau khi nhân viên nhà hàng báo với chính quyền về việc một số đầu bếp đã tiêm gentamicin sulfat (một loại kháng sinh chống nhiễm khuẩn) vào các món ăn trước khi phục vụ cho khách hàng. Tên và địa chỉ nhà hàng được bảo mật.
Nhận được thông tin, cảnh sát đã nhanh chóng có mặt tại nhà hàng để điều tra vụ việc.
Lực lượng chức năng tìm thấy 4 hộp thuốc rỗng trong thùng rác nhà bếp và 101 hộp chưa sử dụng trong văn phòng của Sha, bếp trưởng. Kiểm tra một số món ăn tại địa điểm này cho thấy thực phẩm có chứa thành phần của thuốc.
Gentamicin sulphate là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị tiêu chảy ở Trung Quốc cách đây nhiều thập kỷ vì giá thành rẻ. Ngày nay, thuốc này được bán theo đơn tại các hiệu thuốc hoặc phòng khám của bác sĩ.
Các chuyên gia khuyến cáo người già hoặc trẻ em không nên dùng thuốc này vì có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm khả năng gây tổn thương thính giác và thận.
Trả lời trước tòa, hai bị cáo nói tẩm thuốc kháng sinh để ngăn ngừa khách hàng bị tiêu chảy sau khi ăn đồ ăn “khá mất vệ sinh” do mình chế biến.
Họ cho biết đã thêm một lượng nhỏ bằng cách đổ 2 ml thuốc vào món khai vị cho mỗi bàn. 2 đầu bếp này thừa nhận, kể từ đầu năm 2023, hơn 1.600 món ăn, trị giá khoảng 80.000 nhân dân tệ (11.000 USD), đã bị nhiễm loại thuốc này.
Nhà hàng nơi 2 đầu bếp làm việc bị phạt 1,18 triệu nhân dân tệ (165.000 USD) và bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Cơ quan quản lý thị trường cấm Sha và Fu làm việc trong ngành thực phẩm trọn đời. Ngoài ra, hai quản lý của nhà hàng, mỗi người cũng bị cấm 5 năm không được làm trong ngành thực phẩm.