Chia sẻ về vụ ‘học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ’ đang ồn ào mấy ngày nay, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết, nhà trường, giáo viên không cần xin lỗi ai vì họ không có lỗi.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, từ vụ việc này cho thấy cách cư xử không khéo từ phụ huynh, giáo viên đến Bộ GD-ĐT
Mấy ngày qua, mạng xã hội xôn xao chuyện một người mẹ không đóng quỹ phụ huynh nên con không được dự liên hoan lớp, phải ngồi nhìn các bạn ăn, uống. Thông tin gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn với hàng chục nghìn lượt tương tác, khiến Bộ GD-ĐT vào cuộc xác minh.
Chuyện xảy ra ở lớp 1C Trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Phụ huynh lớp này chỉ mua 31 suất gà rán kèm khoai tây chiên và xúc xích, trị giá 40.000 đồng/suất (lớp có 32 học sinh). Đến lúc liên hoan, em N. không được nhận một suất gà rán, khoai tây chiên và xúc xích như các bạn. Tại buổi tiệc, em N vẫn được ăn bánh, kẹo. Kết thúc buổi liên hoan, mẹ em N đăng thông tin trên Facebook, cho rằng con mình “không được suất ăn” trong buổi liên hoan lớp. Thông tin sau đó lan truyền nhanh trên mạng xã hội.
Trước vụ việc không vui này, TS Vũ Thu Hương cho rằng phụ huynh này là người không có tính xây dựng trong một tập thể. “Cái gì là quy định chung, được cả tập thể đồng ý thì chúng ta nên theo. Không chỉ vấn đề của lớp con mà là trong các tập thể khác như trong khu dân cư, trong công ty…”.
Trường Tiểu học Gia Lương
Chia sẻ về cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm trong tình huống này, TS Vũ Thu Hương cho rằng, cô giáo đã không có cách xử lý linh hoạt. “Nếu không có sự đồng thuận của cả tập thể phụ huynh thì giáo viên cũng không nên tổ chức buổi liên hoan cuối năm. Có rất nhiều cách để các con được liên hoan mà không cần phải chi tiền từ quỹ lớp, quỹ phụ huynh. Như các con có thể đổi giấy vụn lấy quà hoặc các con có thể mang bánh kẹo từ nhà đến lớp… Quan trọng nhất, ý nghĩa của buổi liên hoan là phải vui, mà vui thì phải cùng nhau.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu, nếu không có sự đồng thuận trong việc đóng tiền quỹ phụ huynh thì các phụ huynh cũng không nên đóng quỹ này nữa. Chính sự không đồng thuận đã gây ra những hệ lụy như vụ việc này”, TS Vũ Thu Hương phân tích.
Trước việc Bộ GD-ĐT vào cuộc để xác minh thông tin vụ việc này, TS Vũ Thu Hương cho rằng Bộ GD-ĐT không cần can thiệp vào những vụ việc “nội bộ” của phụ huynh như thế này. “Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là những việc liên quan đến kiến thức, bài học. Việc vào cuộc của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT sẽ gây ức chế với nhiều người. Giáo viên sẽ cảm thấy khó chịu khi bản thân không có lỗi. Các học sinh không vui vì các bố mẹ không vui, không thoải mái…”.
Theo TS Vũ Thu Hương, để xử lý vụ việc này, nhà trường, giáo viên không cần phải xin lỗi ai. “Cách xử lý đơn giản là 3 bên (gồm nhà trường, giáo viên, phụ huynh) ngồi nói chuyện và phân tích vấn đề. Nhà trường cần làm rõ vấn đề rằng, phụ huynh đưa thông tin các con lên mạng là sai. Đã có quy định với phụ huynh khi đưa thông tin riêng tư của phụ huynh, học sinh lên mạng xã hội thì cần có sự cho phép của những người này. Việc đưa thông tin lớp, tên tuổi của các con lên mạng xã hội sẽ khiến các phụ huynh khác không thoải mái. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh không có sự đồng thuận với các phụ huynh khác về việc đóng góp cũng như các hoạt động, phụ huynh có thể báo cáo lên nhà trường, phòng GD-ĐT”.
Đặc biệt, TS Vũ Thu Hương cho rằng, hiện nay đã có nhiều chương trình tập huấn công nghệ thông tin cho giáo viên, tuy nhiên lại không có chương trình tập huấn về việc sử dụng mạng xã hội. Cần tập huấn để giáo viên biết rằng khi đưa thông tin lên mạng xã hội thì thông tin đó phải được kiểm chứng và không ảnh hưởng đến ai. Đây cũng là thông tin mà giáo viên có thể chia sẻ với phụ huynh trong các cuộc họp phụ huynh.
N.M