Nhiều phụ huynh than lịch nghỉ Tết của học sinh ngắn hơn 3-7 ngày so với mọi năm, khiến họ có thể phải thay đổi kế hoạch đưa con về quê thăm người thân.
Nghe tin lịch nghỉ Tết của con từ ngày 25/1 đến hết 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), anh Văn Thanh, quận 7, băn khoăn về kế hoạch về quê dịp này. Các năm trước, TP HCM cho học sinh nghỉ 12-16 ngày
“Tôi làm công nhân, mùa hè khó xin nghỉ. Đã tốn tiền tàu xe di chuyển nên tôi mong Tết được nghỉ dài hơn để thăm họ hàng, các cháu được gần ông bà”, anh Thanh nói. Tiền vé xe ra vào cho gia đình bốn người khoảng hơn 7 triệu đồng.
Anh cho hay quê ở Huế, quê vợ ở Quảng Bình. Anh tính toán thời gian đi lại giữa hai nơi rồi trở lại TP HCM đã mất 3-4 ngày, nhưng chưa chắc đã mua được vé như mong muốn vì đây là dịp cao điểm. “Nếu tốn kém mà về quê nhấp nhổm vài ngày rồi lại đi thì như hành xác”, ông bố nhìn nhận.
Học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, học gói bánh chưng trong dịp Tết 2024. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Tương tự, chị Ngọc Hà, mong lịch nghỉ Tết của các con được nới thêm, thuận tiện hơn cho việc mua vé tàu, xe. Đầu tháng 11, một hãng xe lớn mở bán vé Tết, chị trông đứng trông ngồi, tìm mua 4 vé khứ hồi về Quảng Ngãi nhưng không mua được vé nào, đành đợi đợt bán sau.
“Kỳ nghỉ của học sinh trùng với lịch nghỉ của người lao động, áp lực mua vé tàu, xe rất lớn. Tôi không chen chân nổi, giá vé những ngày này cũng cao nhất”, chị Hà nói.
Còn Linh Giang, trường THCS Nguyễn Du, hụt hẫng khi hay tin chỉ được nghỉ Tết 9 ngày. Nữ sinh trước đó kỳ vọng được nghỉ khoảng hai tuần như các năm trước. Giang dự định phụ bố mẹ dọn dẹp, thăm họ hàng, còn lại ngủ nghỉ và ôn bù những kiến thức bị hụt.
“Nghỉ hơn một tuần chỉ loay hoay là hết, chưa kịp nghỉ ngơi thoải mái nói gì đến xem lại bài vở”, Giang cho hay.
Gia Khang, học sinh lớp 9 ở quận Gò Vấp nói cả nhà cũng đang tính toán lại kế hoạch về quê dịp Tết. Mọi năm được nghỉ 12-16 ngày, gia đình về cả quê ngoại ở Tiền Giang lẫn quê nội Bình Thuận. Năm nay có thể em và bố mẹ không thể về thăm cả hai nơi.
Theo nam sinh, nếu xin nghỉ học vài hôm để kéo dài đợt nghỉ Tết, em lo lỡ mất bài học, trong khi đây là năm cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 10.
Thời gian nghỉ Tết cho học sinh dài hơn là mong muốn của hơn 4.400 độc giả, tương đương 79% người tham gia khảo sát trên VnExpress, tính đến 30/11. Số còn lại đồng ý với phương án hiện tại, trong đó có chị Thanh Trúc, phụ huynh học sinh lớp 9 và 6.
Làm việc tại cơ quan nhà nước, chị Trúc nói không thể xin nghỉ vượt lịch chung của đơn vị. Vì thế, nếu con nghỉ học dài hơn, chị không biết gửi ai trông. “Con nghỉ ở nhà mà không có bố mẹ trông thì chỉ sa vào chơi game, cơm nước không có ai lo nên tôi mong hai đứa đến trường luôn”, chị Trúc nói.
Dù có ông bà hỗ trợ, chị Hoài Phương, 36 tuổi, TP Thủ Đức, vẫn mong thời gian nghỉ Tết của con tương tự lịch nghỉ chung của cả nước. Ngoài thuận tiện đưa đón, chị cho rằng thời gian nghỉ vừa phải giúp học sinh, nhất là bậc tiểu học, mầm non, dễ trở lại guồng học tập hơn.
“Khi nghỉ Tết dài, quen ngủ nghỉ thoải mái, đến lúc đi học các con dùng dằng, không muốn tới lớp, nhất là bé mầm non”, chị Phương kể.
Một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thời gian nghỉ Tết năm nay được tính toán sít sao, trên nguyên tắc đảm bảo khung thời gian năm học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có 35 tuần thực học và 2 tuần dành cho các ngày nghỉ lễ, hoạt động khác. Ngoài ra, thời gian nghỉ hè phải trọn vẹn ba tháng.
Ông giải thích TP HCM bắt đầu năm học từ ngày 5/9, phải kết thúc trước ngày 31/5. Thực tế, các hoạt động kiểm tra cuối năm đã phải hoàn thành trước đó. Ngoài ra, mọi năm lịch nghỉ Tết dài hơn 3-7 ngày, do ngày bắt đầu kỳ nghỉ rơi vào thứ hai, hoặc cũng có năm mùng 6 Tết vào giữa tuần nên Sở kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần.
“Nhưng năm nay, ngày bắt đầu nghỉ vào thứ bảy, mùng 6 Tết rơi vào thứ hai. Nếu cho nghỉ thêm một tuần sẽ không đủ thời gian cho kế hoạch còn lại của năm học”, đại diện Sở cho biết.
Do đó, phương án chỉ 9 ngày – tương tự lịch của người lao động là hợp lý và đảm bảo khung thời gian năm học. Hơn nữa, khi phụ huynh đi làm, con cái trở lại trường học giúp họ thuận tiện sắp xếp đưa đón, yên tâm làm việc. “Với những gia đình có biên độ nghỉ dài hơn, bố mẹ có thể xin phép cho con nghỉ, xin nội dung bài giảng của giáo viên để tự kèm con ở nhà”, vị cán bộ Sở gợi ý.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, nhà nghiên cứu Nhân học và Xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life Research Institute), cho rằng lễ tết là dịp giáo dục, sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng tốt nhất cho học sinh. Nhìn rộng hơn, trong những ngày nghỉ các em vẫn được học. Những nội dung này bổ sung và làm phong phú cho kiến thức lý thuyết trên nhà trường.
“Không gian gia đình, xã hội trong ngày Tết là nơi các con có thể học, thực hành các hoạt động, lễ nghi văn hóa, kết nối và xây dựng tình cảm, đạo hiếu với ông bà cha mẹ”, ông Lộc nói.
Theo ông, phương án nghỉ Tết 9 ngày ắt hẳn đã được cơ quan quản lý tính toán trên nhiều yếu tố, khó để đáp ứng toàn bộ mong đợi của mọi người.
Để tìm phương án phù hợp nhất, ông đề xuất Sở tạo một cuộc thăm dò ý kiến phụ huynh để có thêm thông tin đưa ra quyết định.
Phương án này cũng được ông Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam, ủng hộ.
“Tết là thời gian để học sinh gần gũi với gia đình, tìm hiểu văn hóa dân tộc, làm sao để sau một kỳ nghỉ các em có năng lượng tiếp tục việc học. Nếu nghỉ ngắn, cập rập đi lại giữa các nơi thì không ổn”, ông nói.
Lệ Nguyễn