Những cây cầu tạm cứ dựng lên rồi lại bị lũ cuốn trôi, nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở bản Diềm (Con Cuông, Nghệ An) chỉ có cùng một mong muốn, đó là cây cầu kiên cố bắc qua con suối, cho cuộc sống của họ bớt phần vất vả.
Xuất phát từ trung tâm UBND xã Châu Khê (huyện Con Cuông), ông Lô Văn Mùi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã dẫn chúng tôi đi vào bản Diềm. Vượt qua cầu khe Choăng đã xuống cấp, vòng vèo trên con đường đất gồ ghề, trước mắt hiện ra nhiều ngôi nhà sàn được dựng nép 2 bên dòng suối khe Ít. Con suối tuy dài chỉ hơn 1km nhưng đã có 3 cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua, có thể bị nước lũ cuốn trôi đi bất kỳ lúc nào.
Cây cầu tạm được đóng bằng mấy tấm gỗ tạp đã xuống cấp. Ảnh: Quốc Huy
Gọi là cầu nhưng chỉ có mấy tấm ván mỏng xếp lại, đóng thêm đinh và buộc 2 cây tre làm lan can đi lại.
Đứng bên cầu tạm gỗ đã mục, ông Vi Văn Mắn trưởng bản Diềm (xã Châu Khê) cho biết, toàn bản có 160 hộ dân sinh sống với hơn 700 nhân khẩu, trong đó có 65 hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào trồng cây lúa, cây keo, cây mét và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Sinh sống xung quanh khu vực cầu gỗ tạm này có hơn 30 hộ dân, trong khi đó nhu cầu đi lại sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước có hơn 100 hộ. Ruộng lúa tại khu vực này có diện tích gần 12ha.
Vào mùa mưa lũ liên tục, nước dâng cao, người dân hai bên bờ không thể đi lại qua 3 cây cầu tạm ở khe Ít.
“Ngày trước mọi người thường lội qua suối đi làm. Mấy năm gần đây, người dân dùng gỗ làm cọc, xẻ ván móng đóng đinh và ghép cầu đi tạm. Mơ ước của bà con là có một cây cầu bê tông vững chắc, thuận lợi đi lại, vận chuyển vật liệu và an toàn vào mùa mưa”, ông Mắn chia sẻ.
Anh Vi Văn Hưng, một trong những hộ dân sống bên con suối bộc bạch: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, việc đi lại qua suối gặp rất nhiều khó khăn. Lúc cầu tạm bị sập, tôi phải lội suối cõng con đi học. Nhiều hôm nước suối dâng cao thì các con ở nhà nghỉ học chứ không dám liều, vì sợ dòng nước dữ”.
Bí thư chi bộ, trưởng bản Diềm, xã Châu Khê (huyện Con Cuông) kể về những khó khăn, vất vả của bà con dân bản. Ảnh: Quốc Huy
Bà Lô Thị Ngọc, Bí thư Chi bộ bản Diềm thông tin, trong vòng 4 năm qua, khi hết mùa mưa lũ là người dân lại chuẩn bị gỗ, ván, tre để đóng lại cầu mới bắc tạm khe Ít. Có ít nhất 4 cầu tạm của bà con dân bản làm bị nước lũ cuốn trôi.
“Cách đây 2 năm, có người đi qua cầu tạm bị sập nhưng may mắn thoát nạn. Mong muốn có cầu cứng để nhân dân thuận tiện đi lại sản xuất vì đất canh tác hầu hết nằm ở bên kia khe suối”, bà Ngọc nói.
Ông Vi Văn Mắn, Trưởng bản Diềm, xã Châu Khê (chỉ tay) mong mỏi có một cây cầu cứng thay thế cầu gỗ tạm bắc qua khe suối. Ảnh: Quốc Huy
Trao đổi với VietNamNet, ông Lô Văn Mùi – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Khê cho biết, bản Diềm nằm ở địa hình có 2 khu dân cư chia cắt bởi 2 khe suối, khe chính là khe Choăng có cầu treo đã xuống cấp. Riêng do khe Ít chia cắt, cụm dân cư hơn 30 hộ đang gặp rất nhiều khó khăn khi qua lại khu vực này.
“Bà con đang đi cầu tạm bằng ván gỗ cốt pha rất mỏng. Cầu chỉ đi thời gian ngắn sẽ bị hoai mục và nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm, các cấp ngành liên quan chung tay hỗ trợ cùng Báo VietNamNet để nhân dân bản Diềm có cây cầu cứng đi lại sinh hoạt”, ông Mùi mong mỏi.