Xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo thực sự là vấn đề chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Công
Trong phần phát biểu của mình, ông Võ Đức Phong – Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết, ĐBSCL nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng được đánh giá có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, là trụ cột ngành kinh tế nông nghiệp, an ninh lương thực của cả nước. Tuy vậy, sự phát triển bền vững của ĐBSCL đang chịu vài tác động, thách thức lớn.
Sơ đồ kênh đào Phù Nam-Techo của Campuchia. Ảnh: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Tác động đầu tiên là thủy điện. Hiện nay, thượng lưu sông Mê Công đang phát triển mạnh mẽ bởi thủy điện, với dung tích điều tiết ước tính đến năm 2021 khoảng 65 tỷ m3 nước, trong tương lai (khoảng 2040-2050) có thể lên đến trên 100 tỷ m3.
Việc phát triển thủy điện đã làm thay đổi quy luật dòng chảy và chế độ nước về ĐBSCL. Từ đó làm lũ lớn giảm, số năm lũ nhỏ hoặc mất lũ tăng lên. Cụ thể là kể từ sau năm 2011 đến nay, ĐBSCL chưa xuất hiện trận lũ lớn nào.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong tương lai lũ lớn càng hiếm khi thượng lưu hoàn thành xây dựng các hồ chứa theo quy hoạch (khoảng năm 2040-2050).
Tuy Tiền Giang là vùng ngập lũ nông, nhưng hệ quả lũ suy giảm đã, đang tác động đến phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng sinh thái ngập lũ, suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn mùa khô xuất hiện sớm hơn so với trước đây từ 1-1,5 tháng (tác động lớn đến vụ lúa Đông Xuân – là vụ chính trong năm).
Thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 1-2 tháng so với trước đây trong những năm ít nước như năm 2015-2016, 2019-2020 và cả năm 2023-2024. Tác động của hạn mặn không chỉ ước tính bằng tiền mà nó còn ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội, chính trị của các địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, phù sa về ĐBSCL đã và đang suy giảm nghiêm trọng làm cho hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng. Tỉnh Tiền Giang cũng nằm trong hệ quả tác động của thách thức này.
Tác động thứ hai là nước biển dâng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ĐBSCL chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, với mực nước biển có thể gia tăng đến 75 cm vào cuối thế kỷ 21. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có 2 vấn đề lớn là gây ngập nước lớn trên diện rộng và xâm nhập mặn gia tăng.
Từ các thách thức đã nêu trên cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức và tỉnh Tiền Giang là một trong những tỉnh ven biển sẽ càng có nhiều tác động bất lợi, nghiêm trọng hơn nữa so với các tỉnh đầu nguồn.
“Thay đổi thượng lưu làm thay đổi quy luật dòng chảy, giảm một phần lượng nước, suy kiệt phù sa và nước biển dâng là yếu tố cốt lõi, đặt chúng ta ở thế chống đỡ” – ông Phong phân tích.
Sau khi dẫn chứng các vấn đề trên, ông Phong nhận định, việc xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo thực sự là vấn đề chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là công trình xây dựng kề bên Việt Nam nên các tác động của công trình rất nhanh, tức thời, là vấn đề rất quan ngại.
Trước tình hình các thông tin về việc xây dựng kênh đào Phù Nam-Techo được cung cấp còn rất sơ bộ, để chủ động thích nghi, giảm thiểu các tác động tiêu cực, ông Phong kiến nghị cần có nghiên cứu đánh giá chi tiết về tác động tuyến kênh này với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và các tác động khác.
Đối với Ủy hội sông Mê Công, cần tiếp tục hợp tác, giám sát chặt chẽ với Campuchia ngay từ khi nghiên cứu triển khai dự án nhằm phát hiện kịp thời các tác động bất lợi và đưa ra khuyến nghị trong thực thi các biện pháp giảm thiểu và chia sẻ thông tin cho các tỉnh vùng ĐBSCL nắm bắt và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Lo lắng kênh đào Phù Nam-Techo vận hành làm nguồn nước sông Mê Công bị giảm xúc
Ông Võ Kim Thuần – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An thì cho hay, tỉnh Long An có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 330.095 ha, chiếm 73,48% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Phát họa thay đổi vùng ngập mùa lũ ở cả 2 phía bắc và nam kênh đào Phù Nam-Techo. Ảnh: Lê Anh Tuấn.
Trước đây, khoảng 10 năm, tỉnh Long An mới có xâm nhập mặn cực đoan. Tuy nhiên, những năm gần đây, chỉ 2 hoặc 3 năm là xâm nhập mặn khốc liệt.
Ngoài thiệt hại về năng suất cây trồng, thiếu nước ngọt sinh hoạt, vấn đề lưu thông thủy ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng lớn do mực nước xuống thấp.
Ông Thuần lo ngại khi dự án kênh đào Phù Nam-Techo của Campuchia xây dựng, rồi vận hành thì nguồn nước sông Mê Công bị giảm xúc khá lớn.
Theo đó, tỉnh Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung sẽ xâm nhập mặn nghiêm trọng, năm nào cũng có và vấn đề lưu thông thủy bị ảnh hưởng, xáo trộn rất nhiều so với hiện nay.
Ông Thuần cũng cho rằng, trong thông báo của Campuchia có đề cập là tác động của dự án là không đáng kể.
Tuy nhiên, các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận. Vì vậy, Campuchia cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường cho các bên liên quan.
“Để khách quan thì Ủy hội sông Mê Công quốc tế cần hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án tới tất cả các lĩnh vực và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động. Ủy hội cần chia sẻ các kết quả đánh giá tác động cho quốc gia thành viên và các bên liên quan” – ông Thuần nói.
Theo thông tin từ cuộc họp tham vấn, dự án kênh đào Phù Nam-Techo nối sông Bassac ra cảng Kep của Campuchia, với tổng chiều dài khoảng 180km.
Theo đó, kênh đào này được thiết kế với kích thước đủ lớn, cụ thể, bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.
Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến dự án sẽ được phía Campuchia khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.