Dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích Làng Nủ
Lào CaiGần 200 người thuộc các lực lượng cứu hộ địa phương rút khỏi hiện trường, kết thúc quá trình tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh Nông Thế Mạnh cho biết hết ngày 10/10, toàn bộ lực lượng cứu hộ và máy móc sẽ rút khỏi hiện trường vụ sạt lở tại Làng Nủ. Quyết định dừng tìm kiếm đã được thống nhất với người dân địa phương trong cuộc họp vào cuối tháng 9.
10 ngày qua, các lực lượng tiếp tục khoanh vùng tìm kiếm, có điểm máy múc đào sâu tới gần chục mét song không có thêm nạn nhân nào được tìm thấy.
Hai ngày trước, chính quyền huyện Bảo Yên thông báo có thêm hai nạn nhân được xác định danh tính từ kết quả giám định ADN các mẫu thu thập từ đầu tháng 10. Trong đó, ba mẫu được lực lượng chức năng thu thập từ các nạn nhân trôi dạt trên sông Chảy và ba mẫu từ tử thi tại Làng Nủ.
Tính đến nay, vụ lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện vẫn mất tích.
Bộ đội biên phòng cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm dọc suối bùn trong thôn Làng Nủ hôm 12/9. Ảnh: Ngọc Thành
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, lực lượng cứu hộ quy mô lớn với hơn 650 người, bao gồm bộ đội Quân khu 2, biên phòng, các đơn vị chó nghiệp vụ, công an và dân quân địa phương, đã được huy động để tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Chiều 24/9, sau khi bộ đội rút đi, huyện Bảo Yên duy trì gần 200 người cùng máy xúc tìm kiếm thêm 10 ngày. Tuy nhiên việc tìm kiếm ngày càng khó khăn do hiện trường sạt lở rộng, bùn đất cứng lại và có lúc bị gián đoạn do mưa lớn kéo dài khiến nước lũ tràn về kéo theo bùn đất.
Những người thoát nạn và các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao được bố trí tập trung ở nơi tạm cư trong khi chờ khu tái định cư đang xây dựng cách vị trí cũ 3 km. Dự kiến trong tháng 11, những ngôi nhà đầu tiên sẽ hoàn thành, công cuộc tái thiết xong trước 31/12.
Làng Nủ trước và sau khi thảm họa xảy ra. Ảnh: Hoàng Phương
Khảo sát hiện trường của nhóm nghiên cứu thuộc các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Thủy lợi, Giao thông Vận tải chỉ ra sạt trượt phát sinh từ cao độ 744 m gần đỉnh núi Voi tạo thành dòng lũ bùn. Di động khoảng 2 km, dòng lũ bị chặn đứng ở khúc co hẹp 100 m tạo thành một “đập dâng” tạm thời, sau đó vỡ tràn và ụp xuống khu dân cư nằm dưới thung lũng.
Khoảng 1,6 triệu m3 bùn đá ập xuống làng chỉ trong 5 phút. Chiều dài dòng lũ bùn đá khoảng 3,6 km với diện tích ảnh hưởng khoảng 38 ha; chiều sâu tích tụ dòng bùn 8-15 m, sâu nhất khoảng 18 m. Vào ngày xảy ra thảm họa, lượng mưa đạt 633 mm, bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm toàn tỉnh Lào Cai.