Theo các chuyên gia, việc khoe thành tích của con công khai trước đông người không hẳn đã tốt, tiềm ẩn hệ lụy không tốt về tâm lý.
Lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng cập nhật, bức ảnh của mọi người chia sẻ về con cái, từ kỷ niệm ngày con vào lớp 1, tuổi mới đến các các hoạt động thú vị trong ngày. Và thời điểm này, khi một năm học sắp kết thúc, mạng xã hội lại tràn ngập các bài viết thành tích, kết quả học tập của con. Việc khoe con xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, mong muốn được chia sẻ cùng mọi người niềm vui, hoặc muốn thông qua mạng xã hội lưu giữ một dấu mốc, kỷ niệm hay thành tựu đầu đời của trẻ. Thế nhưng, theo các chuyên gia việc khoe thành tích của con công khai trước đông người không hẳn đã tốt. Trái lại, việc này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy cho tâm lý của trẻ.
Trong kỷ nguyên của quyền riêng tư, của AI với những mối nguy về Deepfake, nguy cơ bị thu thập dữ liệu khuôn mặt, việc chia sẻ hình ảnh khuôn mặt trẻ cầm bằng khen với đầy đủ thông tin cá nhân, từ tên họ, trường lớp lên mạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Theo cơ quan điều tra, 80% trường hợp bị lừa do chính các nhân tự lộ thông tin. Nhiều bậc phụ huynh vô tình làm lộ thông tin qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con, cùng các loại giấy tờ, giấy khen.
Việc đăng thành tích của trẻ lên mạng không chỉ vô tình để lộ thông tin cá nhân mà còn tạo ra áp lực thành tích cho cả người lớn và trẻ em. Từ đây, nó dẫn tới cuộc chạy đua điểm số trong xã hội. Người này thấy con không có điểm bằng bạn thì về nhà la mắng, gây áp lực với con. Người kia muốn thấy con có kết quả học tập hơn lại tính tới chuyện chuyển trường, chuyển lớp vì cho rằng con mình học tập không hiệu quả. Khi cả xã hội chạy theo điểm số, thành tích thì sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài, tình trạng chạy điểm. Việc công khai kết quả học tập của con cũng tiềm ẩn hệ lụy không tốt về tâm lý.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cuộc họp phụ huynh, giáo viên không được phê bình cá nhân học sinh. Điều này nhằm giữ cho trẻ sự riêng tư và tôn trọng, tránh những bình luận tiêu cực nhắm vào trẻ. Ở bậc tiểu học, giáo viên nhận xét để chỉ ra những điểm tốt, điểm chưa tốt cho trẻ. Có thể thấy, tư duy quản lý giáo dục đã từng bước thay đổi theo hướng tránh chạy theo thành tích.
Tuy nhiên, tâm lý xã hội vẫn nặng về điểm số và thành tích. Đây là điều cần thay đổi từ chính những việc làm nhỏ như tránh khoe con trên mạng. Điều quan trọng hơn điểm số là giúp trẻ hiểu được giá trị của sự nỗ lực.