Nợ nần chồng chất, công việc bấp bênh, nhiều người dân Quảng Ngãi vay tiền nộp cho người quen để sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, tiền của họ một đi không trở lại, hàng trăm người làm đơn tố cáo.
Nhiều năm qua, ngư dân xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi gặp khó khăn. Tàu giã cào nằm bờ, hàng trăm người lâm vào cảnh nợ nần, nhà cửa bị ngân hàng thu nợ.
Nợ nần chồng chất, công việc bấp bênh, nhiều người muốn tìm được việc làm nhằm vượt qua khó khăn. Do đó, khi nghe thông tin về việc đưa người đi làm việc ngắn hạn ở Hàn Quốc, nhiều người dân Nghĩa An mừng thầm.
Đầu năm 2023, bà T.T.G., một người dân xã Nghĩa An, đang làm việc ở Hàn Quốc đăng tin cần tìm lao động với mức lương hấp dẫn. Ai có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc, liên hệ với bà T.T.T., em gái bà G., để được hướng dẫn.
Do chị em bà T. là người cùng xã nên vợ chồng bà Nguyễn Thị Chức (SN 1983) tin tưởng nhờ giúp đỡ.
Theo bà Chức, bà T. hứa sẽ giúp vợ chồng bà cùng nhiều người khác sang Hàn Quốc lao động thời vụ ngắn hạn. Muốn đi phải làm visa E8-2, visa thời vụ ngắn hạn diện nông nghiệp tại Hàn Quốc.
Để làm visa này phải có người có quốc tịch Hàn Quốc đứng ra bảo lãnh. Tin tưởng vì là chỗ quen, lại tìm hiểu và biết bà G. đang ở Hàn Quốc nên vợ chồng bà Chức vay mượn tiền nộp cho bà T.
Người dân xã Nghĩa An phản ánh sự việc với báo chí (Ảnh: Quốc Triều).
Theo bà Chức, sau khi nộp tiền lần đầu, phía bà T. chuyển cho vợ chồng bà mẫu giấy ghi tiếng nước ngoài. Bà T. thúc giục vợ chồng bà đóng đủ 50 triệu đồng/người để có visa và làm giấy khám sức khỏe, mua vé máy bay.
“Ai muốn đi thì đưa cho bà T. số tiền 35 triệu đồng, sau đó bà T. yêu cầu đưa thêm 15 triệu đồng nữa. Hai vợ chồng tôi vay mượn nộp tổng cộng 100 triệu đồng để sang Hàn Quốc. Họ hứa qua đó thu nhập mỗi tháng 50 triệu đồng. Thế nhưng nộp tiền cả năm rồi mà chẳng đi được”, bà Chức bức xúc.
Cùng chung hoàn cảnh, vợ chồng bà Nguyễn Thị Sau (SN 1984) đã nộp 95 triệu đồng cho bà T. với hy vọng sang Hàn Quốc làm việc.
“Vay mượn hết nhưng vẫn thiếu 5 triệu đồng nhưng bà T. bảo cứ nộp, phần còn thiếu sẽ cho mượn. Thế nhưng đợi mãi mà không thấy bà T. đưa sang Hàn Quốc nên vợ chồng tôi đi đòi. Đòi mãi mà họ chỉ trả 25 triệu đồng, số tiền còn lại đến giờ vẫn chưa lấy được”, bà Sau cho biết.
Những người tố cáo cho biết, bà T. luôn hối thúc mọi người nhanh chóng chuyển tiền để “chốt sổ”. Đến khi quá thời hạn đã hứa, họ yêu cầu bà T. làm cam kết trả nợ nhưng sau đó vẫn không lấy lại được tiền. Hiện giờ, họ cũng chẳng biết bà T. đi đâu vì không thấy xuất hiện ở địa phương.
Nhiều người được chuyển cho mẫu đơn tiếng Hàn nên tin tưởng sắp được sang Hàn Quốc nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu (Ảnh: Quốc Triều).
Theo tìm hiểu, có khoảng 100 người dân xã Nghĩa An đã nộp cho bà T. số tiền 15-50 triệu đồng. Sau khi xảy ra sự việc, nhiều người đã làm đơn tố cáo gửi chính quyền địa phương.
Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, xác nhận người dân làm đơn tố cáo bà T. lừa tiền. Sự việc đã được chuyển đến Công an tỉnh Quảng Ngãi để điều tra, xử lý.
“Chính quyền xã đã tuyên truyền người dân nếu đi xuất khẩu lao động qua các kênh không có sự giám sát của cơ quan nhà nước rất dễ bị lừa đảo. Thế nhưng nhiều người dân lại tin tưởng nguồn tin xuất khẩu lao động đó nên giờ không lấy lại được tiền”, bà Công nói.
Cũng theo bà Công, người dân địa phương đang gặp khó khăn, nhiều người phải vay mượn tiền. Do đó, chính quyền địa phương kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, giải quyết vụ việc cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Quốc Triều