Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Đa số ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Về nội dung cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ông Tới cho biết đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới (Ảnh: Quochoi.vn).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung bãi bỏ khoản 6, điều 5 của Luật Phòng chống tác hại rươu, bia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 6 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” với phạm vi cấm không chỉ về giao thông đường bộ mà trên tất cả các lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không).
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe vào luật
Về đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, sau thời gian bước đầu thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số.
“Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân muốn có biển số xe theo ý thích”, ông Tới nêu.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của người dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, do dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội thông qua trong cùng Kỳ họp thứ 7, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
“Đa số ý kiến nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, ông Tới thông tin.
Nguyễn Thu Huyền