Triều Tiên vừa thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa mà các chuyên gia cho rằng có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoàn toàn mới, đẩy căng thẳng khu vực lên mức cao nhất kể từ đầu năm.
Người đàn ông Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 31/10. Ảnh: AFP.
Điểm khác thường của vụ phóng
Vào khoảng 7h10 sáng ngày 31/10 (giờ địa phương), Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng. Theo Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc, tên lửa này bay về phía đông, hướng tới vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng thực hiện các vụ phóng tên lửa kiểu này. Nhưng điểm khác biệt là tên lửa lần này đạt đến độ cao kỷ lục 7.000 km, tức là gấp 17 lần độ cao của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), vượt xa tất cả các vụ phóng trước đây.
Tháng 3/2022, Triều Tiên phóng tên lửa bay cao 3.850km. Đây cũng được cho là lần đầu tiên Triều Tiên phóng ICBM kể từ tháng 12/2023. Ở thời điểm đó, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói tên lửa Triều Tiên đã bay trong khoảng 86 phút – thời gian bay dài nhất từng ghi nhận của một tên lửa mà Bình Nhưỡng từng phóng.
Theo Washington Post, đây là những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên phóng tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay nhưng chưa rõ chủng loại.
Tên lửa đã rơi xuống biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, gần đảo Okushiri. Ông Nakatani cho rằng, vụ phóng này cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng trong việc phát triển một loại tên lửa liên lục địa (ICBM) mới, có khả năng vươn xa hơn các tên lửa của Triều Tiên mà cộng đồng quốc tế từng biết.
Tên lửa đạn đạo hoàn toàn mới?
Xe phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên sẵn sàng khai hỏa vào ngày 18/12/2023. Ảnh: KCNA.
Với độ cao và thời gian bay như vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng tên lửa này có khả năng là một loại ICBM mới hoặc một biến thể nâng cấp của các mẫu trước.
Triều Tiên từ lâu đã tuyên bố muốn phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa trực tiếp Mỹ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Nhưỡng cần một loại tên lửa có khả năng bay qua một khoảng cách lớn và không bị phá hủy khi tái nhập vào bầu khí quyển Trái Đất – yếu tố kỹ thuật mà nhiều nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang gặp khó khăn.
Các bức ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố trước đây cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát một bệ phóng tên lửa mới có 12 trục – lớn hơn tất cả các bệ phóng di động trước đây của Bình Nhưỡng. Điều này đã dấy lên nghi vấn Triều Tiên có thể đang phát triển ICBM cỡ lớn với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia phương Tây lo ngại, với sự hỗ trợ công nghệ từ Nga, Triều Tiên có thể đẩy nhanh quá trình này, theo ABC News.
Phản ứng của Mỹ và các nước láng giềng
Mỹ và Hàn Quốc ngay lập tức lên án vụ phóng này. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett, nói: “Vụ phóng này thể hiện Triều Tiên tiếp tục ưu tiên phát triển các vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo bất hợp pháp, thay vì quan tâm đến đời sống của người dân”.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 của Triều Tiên vào ngày 18/12/2023. Ảnh: KCNA.
Ông Savett nhấn mạnh Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để đảm bảo an ninh khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cho biết Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về các phương án phản ứng và tăng cường phối hợp.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là một hành động leo thang nguy hiểm cho khu vực. “Vụ phóng lần này là một sự leo thang không thể chấp nhận được, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”, ông Hayashi nói.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cảnh báo Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa trong thời gian tới nhằm gia tăng áp lực lên các quốc gia đối thủ.
Phía Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động quân sự hợp tác với Nga. Các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, các cuộc tập trận chung với Mỹ sẽ được đẩy mạnh để phản ứng trước nguy cơ từ Bình Nhưỡng.
Hôm 26/10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án các cuộc tập trận gần đây của Mỹ với các đồng minh trong khu vực, gọi đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động thù địch của Mỹ khi thực hiện các cuộc biểu dương quân sự liều lĩnh với các đồng minh mà không chú ý đến những căng thẳng chính trị và quân sự hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi gọi đây là mối đe dọa rõ ràng và là hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh của khu vực”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Hôm 15/10, Triều Tiên đã cho nổ hai tuyến đường liên Triều nhằm mục đích “cắt đứt hoàn toàn” với Hàn Quốc.
Đăng Nguyễn – Washington Post, ABC News