Nghệ nhân Ưu tú Kiều My được gia đình đưa vào bệnh viện hôm 11/12 và qua đời tại đây sáng 12/12.
Báo VnExpress đăng tải thông tin: “Nghệ nhân Ưu tú Kiều My qua đời” với nội dung:
Nghệ sĩ guitar Như Ý thông tin đến phóng viên, tối 11/12 chị gái – NNƯT Kiều My có biểu hiện nghiêm trọng nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 (Quận 10, TP.HCM).
Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng máu, trong phổi còn có khối u nhỏ. 3h30′ ngày 12/12, nữ nghệ nhân đột ngột qua đời, hưởng thọ 61 tuổi.
Tang lễ NNƯT Kiều My diễn ra tại nhà riêng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) ngày 17/12, sau đó gia đình đưa bà đi an táng tại một nghĩa trang ở phường Chánh Phú Hòa.
NNƯT Kiều My tên thật là Ngô Thị Xuân My, sinh năm 1963 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật.
Nghệ nhân Ưu tú Kiều My. (Ảnh: fanpage nhân vật)
Bà thừa hưởng năng khiếu từ cha và ông ngoại, từ nhỏ đã theo học các danh cầm, trong đó có nghệ nhân Út Lăng. Từ trẻ, bà đã chơi thành thạo các làn điệu truyền thống và 20 bản Tổ của đờn ca tài tử Nam Bộ.
Năm 1984, Kiều My về Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương với vai trò nhạc công và diễn viên sân khấu. Thập niên 1990, bà nổi tiếng, được nhiều đơn vị nghệ thuật các tỉnh mời biểu diễn.
Không chỉ chơi đàn kìm điêu luyện, nghệ nhân 6X còn hát hay. Trong sự nghiệp, bà từng giành vô số huy chương, giải thưởng, trong đó có 3 HCV độc tấu đàn kìm Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp khu vực và toàn quốc các năm 2004, 2006 và 2007.
Thành danh, Kiều My không ngừng quá trình trau dồi mà tiếp tục theo học “Đệ nhất nguyệt cầm” – NSƯT Ba Tu, từ đó nâng ngón đàn kìm lên tầm cao mới.
Bà có nhiều học trò, trong đó có nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng là Chuông vàng vọng cổ 2010.
Báo Người Lao Động cũng đưa tin “Nghệ nhân ưu tú Kiều My – ngón đờn kìm nữ hiếm hoi -qua đời” với nội dung:
Thạc sĩ Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa Tp HCM) cho biết Nghệ nhân ưu tú Kiều My đã qua đời tại Bệnh viện Nhân dân 115, hưởng thọ 61 tuổi. Gia đình hiện đang lo hậu sự cho bà tại Bình Dương.
Nghệ sĩ Như Ý, em gái của NNƯT Kiều My, cho biết bà được gia đình đưa vào bệnh viên ngày 11-12, theo chẩn đoán ban đầu do bị nhiễm trùng máu và trong phổi có khối u nhỏ. Đến 3 giờ 30 ngày 12-12, bà qua đời đột ngột, để lại sự thương xót cho gia đình.
Không chỉ thừa hưởng tinh hoa nghệ thuật dân tộc từ ông ngoại và người cha của mình (nghệ nhân Ngô Văn Thía), Ngô Thị Xuân My (tên thật của NNƯT Kiều My – sinh năm 1963) còn được một số danh cầm nổi tiếng ở Bình Dương điển hình như nghệ nhân Út Lăng, truyền dạy ngón đờn kìm qua những làn điệu truyền thống và 20 bài bản Tổ của nhạc Tài tử Nam Bộ.
Năm 1984, Kiều My về Đoàn Văn công tỉnh Bình Dương, vừa làm nhạc công vừa làm diễn viên sân khấu. Thập niên 1990, tên tuổi của bà càng vang xa khi được rất nhiều đơn vị nghệ thuật khắp các tỉnh, thành Nam Bộ mời tham gia biểu diễn.
Nhờ giọng ca mượt mà và ngón đờn kìm điêu luyện, NNƯT Kiều My đã gặt hái nhiều thành tích cao tại một số liên hoan, hội thi lớn về Đờn ca tài tử. Trong đó ấn tượng nhất là 3 chiếc HCV độc tấu đờn kìm trong các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp khu vực và toàn quốc trong các năm 2004, 2006 và 2007.
Bà tiếp tục thọ giáo danh cầm đờn kìm – NSƯT Ba Tu. Ông đã giúp bà hoàn chỉnh ngón đờn kìm, từ phong cách độc tấu, hòa tấu cho đến kỹ thuật chạy chữ, chẻ nhịp và nhấn nhá âm sắc. Nhờ vậy mà ngón đờn của NNƯT Kiều My ngày càng điêu luyện, truyền cảm.
Đặc biệt, khi diễn tấu vọng cổ, bà nắn nót từng chữ, từng âm sắc làm cho bản nhạc thêm dạt dào cảm xúc. Nhiều người cho rằng ngón đờn của chị vừa trầm bổng nhặt khoan, vừa mềm mại, da diết… dễ tạo xúc cảm cho người nghệ sĩdiễn đạt tình cảm qua nội dung lời ca của bài hát.
Một số học trò của bà đã thành danh trong đó có NS Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng Vọng cổ năm 2010).
Tang lễ của Nghệ nhân Ưu tú Kiều My được tổ chức tại nhà riêng: 38 Phan Đình Giót, Phường Chánh Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương; ngày 17-12, sẽ an táng tại Hoa viên Chánh Phú Hòa.