Để giải câu chuyện trợ lý ảo cho cán bộ công chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị cần tìm cách biến việc khó thành việc dễ, phải trực tiếp dùng và thành thạo sử dụng.
Chiều 3/10, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra Hội nghị Giao ban công tác quản lý Nhà nước tháng 9/2024 của Bộ TT&TT. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Buổi họp cũng có sự tham dự của Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Trưởng đơn vị phải trực tiếp dùng, tham gia phát triển trợ lý ảo
Xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức tại các đơn vị trong Bộ là một trong những công việc trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2024. Do vậy, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành nhiều thời gian để kiểm tra tiến độ và khả năng làm việc của trợ lý ảo do đơn vị trong Bộ phối hợp cùng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.
Từ thực tế kiểm tra kết quả xây dựng trợ lý ảo diện hẹp tại Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, làm cái mới bao giờ cũng khó, cũng vất vả, cũng trục trặc, không hiểu nhau, làm rồi mới vỡ ra. Do đó, để giải câu chuyện trợ lý ảo phục vụ cho cán bộ công chức, các đơn vị trong Bộ cần tìm cách biến việc khó thành việc dễ.
Sau một thời gian bắt tay thử làm trợ lý ảo, nhiều đơn vị trong Bộ cho biết, cái khó của việc xây dựng hệ tri thức dùng cho trợ lý ảo là phải đặt ra những câu hỏi sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc tạo dựng dữ liệu câu trả lời cũng không dễ dàng bởi ngốn nhiều thời gian, nhân lực nhằm đảm bảo độ chính xác, tin cậy.
Trước những băn khoăn của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc hình thành hệ tri thức cho trợ lý ảo không phức tạp như mọi người vẫn nghĩ. Nhìn một cách đơn giản hóa, đó chỉ vấn đề tìm ra các câu hỏi thường gặp và gán cho nó một câu trả lời.
Có 2 cách để hình thành hệ tri thức, thứ nhất là giao khoán chỉ tiêu dữ liệu câu hỏi ngay từ đầu, cách khác là hình thành cơ sở dữ liệu dần dần mỗi ngày từ một vài câu hỏi phát sinh trong quá trình làm việc. Tùy bối cảnh cụ thể, các đơn vị có thể chọn giữa 2 cách làm này sao cho phù hợp.
Đối với việc soạn dữ liệu câu trả lời, các trưởng đơn vị cần ra văn bản giao nhiệm vụ từ cấp chuyên viên, cùng ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm pháp lý. Với những câu trả lời trích nguồn từ một hay nhiều văn bản, Bộ trưởng lưu ý cần có phần ghi chú từ người soạn câu trả lời để cấp phê duyệt nhanh chóng nắm bắt được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc phát triển trợ lý ảo nhằm giải câu chuyện chất lượng cán bộ công chức. Sự hỗ trợ của trợ lý ảo cũng sẽ giúp cán bộ công chức thực hiện tốt hơn các quy trình, quy định pháp luật, tránh những “tai nạn” đáng tiếc xảy ra.
Để giải câu chuyện trợ lý ảo, Bộ trưởng yêu cầu các trưởng đơn vị trong Bộ phải trực tiếp dùng và sử dụng thành thạo trợ lý ảo. Đây là cách giúp việc phát triển trợ lý ảo diễn ra nhanh hơn, tốt hơn, thiết thực hơn
Hội nghị Giao ban công tác quản lý Nhà nước tháng 9/2024 của Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng
Những bài học mới mẻ từ quê hương “gã khổng lồ” công nghệ Nokia
Tại Hội nghị giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm mà ông đúc kết được sau chuyến công tác ghé thăm Phần Lan.
Phần Lan là một quốc gia có dân số khoảng 5,6 triệu người, thuộc “khối nhà nước to”, nổi tiếng với bộ máy chính quyền chiếm từ 5-6% dân số. Riêng thành phố Helsinki (thủ đô của Phần Lan) hiện có 700.000 dân với 39.000 nhân viên nhà nước.
Chuyến thăm Phần Lan đã giúp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận ra nhiều điều đáng chú ý về cách vận hành ở quốc gia này. Chính quyền ở đây hoạt động như một công ty lớn, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác, đổi mới. Cách tiếp cận này giúp Phần Lan trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phần Lan đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số, thành phố Helsinki dành tới 20% ngân sách hằng năm cho lĩnh vực này. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ chi chưa đến 1% ngân sách cho chuyển đổi số.
Trong việc sử dụng dữ liệu, Helsinki áp dụng một chiến lược rõ ràng khi sử dụng dữ liệu vào 4 mục đích: mở dữ liệu cho doanh nghiệp để thúc đẩy sáng tạo; sử dụng dữ liệu để vận hành thành phố hiệu quả hơn; hỗ trợ ra quyết định dựa trên chứng cứ dữ liệu; và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho người dân.
Bộ trưởng cũng chia sẻ về cách Helsinki biến toàn bộ thành phố thành một nền tảng mở, mời gọi các ý tưởng sáng tạo từ khắp nơi. Hiện có tới 55 công ty đang phát triển các dự án đổi mới sáng tạo trên nền tảng này.
Bộ trưởng khuyến khích các Cục, Vụ trong Bộ cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), khoảng 5 năm trước, Phần Lan đã chuyển từ mô hình “R&D” sang “RDI” (Research, Development and Innovation hay Nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo trong cuộc sống hằng ngày. Việc có thêm chữ I (Innovation) là điều mà Việt Nam có thể học hỏi.
Bài học từ sự sụp đổ của Nokia cũng được Bộ trưởng đề cập. Dù từng được xem là một cú sốc lớn, sự sụp đổ của Nokia đã thúc đẩy Phần Lan không phụ thuộc vào một công ty duy nhất và khuyến khích sự ra đời của nhiều startup mới.
Hiện tại, với dân số chỉ 5,6 triệu người, Phần Lan đã có 12 kỳ lân công nghệ. Đây là minh chứng cho bài học tìm ra cơ hội để đứng lên từ trong thất bại.
Trong lĩnh vực viễn thông, Phần Lan dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm Open RAN chạy trên cloud vào năm 2024 và có thể giới thiệu 6G vào năm 2028, sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Phần Lan dự định đưa AI vào bên trong mạng lưới 6G. Mạng lưới này ngay từ đầu được thiết kế dựa trên AI.
Họ đặt ra nguyên tắc công suất tiêu thụ năng lượng của trạm 6G không cao hơn trạm cũ, nhưng dung lượng phục vụ tăng từ 3-5 lần. Bộ trưởng lưu ý rằng đây là những điểm quan trọng mà Việt Nam cần chú ý và học hỏi trong nghiên cứu 6G.
Về khởi nghiệp sáng tạo, việc thành lập các startup ở Phần Lan không tốn kém quá nhiều về vật chất. Nhiều người khởi nghiệp với số vốn chỉ vài chục nghìn USD, sau đó bán lại doanh nghiệp với giá hàng triệu USD, tạo nên một phong trào khởi nghiệp rộng khắp.
Trường đại học Aalto ở đây mỗi năm tạo ra từ 70-100 startup, thậm chí cho phép sinh viên tạm nghỉ học để theo đuổi dự án của mình. Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Phần Lan không chỉ cung cấp không gian làm việc mà còn kết nối startup với nhà đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp lớn, giúp họ gọi vốn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyến công tác tới Phần Lan đã mang lại nhiều câu chuyện, góc nhìn mới mẻ. Việt Nam có những giá trị riêng mà các quốc gia khác không có và ngược lại. Bằng cách đi ra thế giới, đúc kết những kinh nghiệm quý báu, chúng ta có thể đưa dân tộc tiến lên. Do vậy, Bộ trưởng mong muốn các cán bộ khi đi công tác nước ngoài cần chú ý học hỏi, mang kiến thức mới về ứng dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.