Bộ Y tế yêu cầu rà soát công bố sản phẩm, tăng hậu kiểm và phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm sau vụ phanh phui đường dây sữa giả.
Báo Người Lao Động ngày 15/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Vụ sữa giả: Bộ Y tế nói gì?” cùng nội dung như sau:
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 lãnh đạo tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, do liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ tới 573 loại sữa bột giả.
Liên quan đến công tác quản lý chất lượng và cấp phép, đặc biệt với nhóm thực phẩm tự công bố, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu các địa phương rà soát và báo cáo toàn bộ hồ sơ cấp phép liên quan.
Ngày 15-4, thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Bộ Y tế luôn nhất quán trong việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc xử lý thực phẩm giả và thực phẩm có chứa chất cấm.
Việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được thực hiện theo Luật an toàn thực phẩm với sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND các cấp cùng tham gia giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm.
Theo quy định, hầu hết các thực phẩm được phép tự công bố, chỉ một số nhóm như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm ăn kiêng… phải đăng ký bản công bố trước khi lưu thông. Các sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bao gồm thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, và một số nhóm thực phẩm khác.
“Doanh nghiệp khi công bố sản phẩm phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đây là chính sách giúp giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng trách nhiệm của doanh nghiệp”- đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng nêu trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ công bố, cấp giấy xác nhận quảng cáo, tổ chức hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, phải xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định công tác hậu kiểm thực phẩm sau công bố đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm tại các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm, xử lý nghiêm vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phối hợp Bộ Công an kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt trong các vụ thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm. Các vi phạm quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng cũng được xử lý nghiêm.
Từ năm 2025 đến nay, cơ quan này đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường hậu kiểm. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Công an đề xuất tăng chế tài xử phạt, sửa đổi luật để xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm.
Trong vụ sữa giả quy mô lớn đang điều tra, Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý đến cùng theo đúng pháp luật.
Cùng ngày, báo VnExpress cũng có bài đăng với thông tin: “573 loại sữa bột giả không được kiểm nghiệm đã bán ra thị trường”. Nội dung được báo đưa như sau:
Liên quan đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố 8 bị can để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, hai chủ mưu, cầm đầu Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà, là cổ đông góp vốn, Giám đốc Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma.
Tại cơ quan điều tra, hai cổ đông góp vốn của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra. Hơn nữa, doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.
Theo cáo buộc, thành phần công bố gồm có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ đi một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung các chất phụ gia khác.
Các loại sữa bột giả của Hacofood Group và Rance Pharma được phân phối ra thị trường toàn quốc, chủ yếu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm này cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất. Các bị can chỉ đạo bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.
Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Các nghi phạm sản xuất sữa giả trong vụ án này đã lợi dụng quy định về việc cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Quá trình này không phải chịu sự quản lý, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành. Doanh nghiệp cùng lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng của cùng loại sản phẩm.
Khi phân phối, các nghi phạm thuê cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội để bán hàng. Nhằm sản phẩm được nhiều người biết đến, các nghi phạm đã thông tin sai sự thật, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm.
Đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa giả này vận hành từ tháng 8/2021 khi Hà và Cường nhận thấy nhu cầu sử dụng sữa bột nội địa ngày càng cao. Hai người sau đó cùng góp vốn lập Công ty Rance Pharma và Hacofood và điều hành mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh, đến tiêu thụ các loại sữa bột.
Họ mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), góp vốn với nhiều người để tạo ra hệ sinh thái gồm 9 công ty. Các doanh nghiệp này sẽ đứng tên hồ sơ công bố các nhãn thương hiệu sản phẩm và trực tiếp kinh doanh.
Đến thời điểm bị bắt, ngày 11/4, đường dây bị cáo buộc sản xuất 573 loại sữa bột giả để tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng. Cảnh sát còn xác định, Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc, công an thu 84 loại sản phẩm sữa bột. Trong đó có 26.740 lon của 90 lô sản xuất sữa, cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Sữa giả ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết sữa kém chất lượng, sữa giả sẽ gây nguy hại cho người dùng, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người bị bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai.
Người sử dụng sữa giả sẽ không thể cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất như bảng thành phần ghi trên vỏ hộp. Người sử dụng cần theo dõi phản ứng sau khi dùng, nếu thấy tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hay sụt cân cần lập tức kiểm tra sức khỏe.
Việc sử dụng sữa giả trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt với những trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa, việc dùng sữa có nguyên liệu không rõ nguồn gốc và bổ sung phụ gia không được kiểm soát dẫn tới nhiều rủi ro như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, về lâu dài ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Theo bác sĩ Sơn, rất khó để xác định sữa thật hay giả bằng mắt thường. Để “tự bảo vệ mình”, người dùng nên đọc kỹ các thông tin trên vỏ hộp đơn vị nhập khẩu, phân phối, thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mọi người không nên mua, sử dụng các loại sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in qua loa, có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc nguồn gốc không rõ ràng.