Vụ đường dây sản xuất gần 600 loại sữa g:iả: Động thái bất ngờ từ đại lý phân phối sữa

Theo chủ một đại lý cho biết, hiện tại cửa hàng đã hạ toàn bộ hàng có nhãn hiệu Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất xuống kệ. Đồng thời, ngưng bán sản phẩm ra thị trường.

Báo Đời sống Pháp luật ngày 14/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Vụ đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả: Động thái bất ngờ từ đại lý phân phối sữa” cùng nội dung như sau: 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

2 người có vai trò cầm đầu là bị can Hoàng Mạnh Hà (Giám đốc Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, gọi tắt là Công ty Rance Pharma) và bị can Vũ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, gọi tắt là Công ty Hacofood).

Theo cáo buộc, trong 4 năm từ 2021 đến nay, nhóm bị can thông qua nhiều pháp nhân để sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả các loại ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng.

Sau khi đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả vừa được Bộ Công an triệt phá khiến người tiêu dùng hoang mang. Trước thông tin này, nhiều đại lý sữa bột vội ngưng bán hàng, chờ hướng giải quyết.

Chia sẻ với báo Xây Dựng, ông Hữu Tú, chủ chuỗi cửa hàng “Anhtuvuabimsua” vội vàng hạ toàn bộ hàng có nhãn hiệu Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất xuống kệ. Đồng thời, ngưng bán sản phẩm ra thị trường.

“Ngay khi có thông tin chúng tôi đã ngừng kinh doanh nhãn sữa này, chờ hướng xử lý của công ty và chỉ đạo từ cơ quan chức năng. Thực ra chúng tôi cũng chỉ làm thương mại, có chuỗi bán lẻ nên đơn vị đến mời và trình đủ các hóa đơn, chứng từ, kết quả kiểm định hàng, giấy phép đầy đủ là nhập hàng về bán.

Không ngờ công ty làm như vậy (sản xuất, tiêu thụ sữa giả – PV) làm khổ bao con người trải dài từ Bắc vào Nam. Bây giờ tôi liên hệ với công ty, trưởng nhãn đang trả lời không có phương án xử lý, trong khi chúng tôi đã phải bỏ tiền ra nhập hàng. Hiện, tôi đang liên hệ luật sư để làm rõ việc này”, ông Tú cho biết.

Theo ông Tú, dù mặt hàng này ở chuỗi cửa hàng không phải nhiều nhưng cũng gây thiệt hại không ít. Nhãn hiệu mới, sản phẩm chưa được ưa chuộng nhiều nên chưa bán chạy. Giá của loại sữa này cũng tương đương với các nhãn khác trên thị trường.

“Nhiều chuỗi cửa hàng như chúng tôi khi nắm được thông tin về sữa giả đều dừng bán nhãn hàng sữa này cho người tiêu dùng. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa nhận bất kỳ thông tin, hay hướng dẫn gì từ phía công ty sản xuất và cung cấp hàng. Sự việc này gián tiếp “giết” chúng tôi, làm chúng tôi mất uy tín trong kinh doanh. Mà không kinh doanh thì chúng tôi ra đứng đường”, ông Tú bức xúc chia sẻ.

Được biết, chuỗi cửa hàng của ông Tú còn tồn khoảng 90 triệu tiền hàng nhãn sữa này.

“Bây giờ, chúng tôi cũng bế tắc. Liên hệ với nhãn hàng thì không được giải quyết, rủi ro chúng tôi phải gánh hết. Hơn nữa, bây giờ khách hàng chỉ biết đến chúng tôi. Nhãn hàng Talacmum đã có khách hàng đến phản ánh yêu cầu đền bù. Trong khi chúng tôi chỉ làm thương mại. Chúng tôi đã mời luật sư để bảo vệ quyền lợi và trưng cầu ý kiến của khách hàng, để nhà sản xuất và cung ứng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Cũng mong cơ quan chức năng hướng dẫn chúng tôi giao cơ quan nào để tiêu hủy các sản phẩm này để chúng tôi an tâm, chứ thất thoát ra ngoài rất phức tạp. Chúng tôi cũng là người bị hại. Nếu biết sản phẩm giả chúng tôi không bao giờ làm. Quá áp lực, bởi chính người nhà chúng tôi cũng đã sử dụng nhãn sữa này chứ không chỉ bán cho khách hàng”, ông Tú chia sẻ với báo Xây Dựng.

Danh sách một số sản phẩm sữa bột giả đã lưu hành trên thị trường 

Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả nhắm đến người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em bị triệt phá gây rúng động trong xã hội. Theo đó, các thành phần được công bố, quảng cáo như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… hoàn toàn không có trong sản phẩm.

Dưới đây là danh sách các loại sữa giả các loại sữa mà Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã tung ra thị trường:

1- Nhãn hiệu CILONMUM

Cilonmum Colos Baby 24h – Trẻ từ 0–12 tháng tuổi

Cilonmum Colos Pedia 24h – Trẻ từ 6–36 tháng tuổi

Cilonmum Colos Gain 24h – Trẻ từ 1 tuổi trở lên

Cilonmum Colos IQ Grow 24h – Trẻ từ 2–12 tuổi

Cilonmum For Mum Colostrum 24h – Phụ nữ mang thai và cho con bú

Cilonmum bGludiabet Colostrum 24h – Người tiểu đường

Cilonmum Kid Goat Colostrum 24h – Trẻ 0–12 tháng

Cilonmum Pedia Goat Colostrum 24h – Trẻ từ 6 tháng – 6 tuổi

Cilonmum Diasure Colostrum 24h – Người suy thận, tiểu đường, sau phẫu thuật

2- Nhãn hiệu TALACMUM

Talacmum For Mum – Phụ nữ mang thai và cho con bú

Talacmum Gain – Hỗ trợ tăng cân cho người gầy yếu

Talacmum Gludiabet – Người tiểu đường

Talacmum Goat Kids – Trẻ nhỏ

Talacmum Goat Pedia – Trẻ từ 6 tháng tuổi

Talacmum IQ Grow – Hỗ trợ phát triển trí não

Talacmum Kalosure Gold – Bổ sung canxi, vitamin D3

Talacmum Kid Baby – Trẻ sơ sinh

Talacmum Pedia Cool – Hỗ trợ tiêu hóa, tăng miễn dịch

3- Nhãn hiệu COLOS 24H PREMIUM

Colos 24h Premium Kid Baby – Trẻ sơ sinh

Colos 24h Premium Pedia BA – Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Colos 24h Premium IQ Grow – Trẻ cần phát triển trí não, chiều cao

Colos 24h Premium Gain – Người gầy yếu, hấp thu kém

Colos 24h Premium Pedia Goat – Trẻ có hệ tiêu hóa kém

4. Các nhãn hiệu khác đang được phân phối bởi Công ty CP Dược Quốc tế Group

Nance; Baby Care; Darifa IQ Plus+; Kenmil; Samice Sure IQ; Colos IQ Bold Milk

Các sản phẩm này được quảng cáo là đạt chuẩn chất lượng quốc tế và được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó… Song trên thực tế hoàn toàn không có những chất này.

Theo đó, người tiêu dùng cần xem kỹ trên bao bì sản phẩm đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối.

Nếu các sản phẩm được sản xuất và phân phối bởi các công ty: Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharm; Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group; Công ty cổ phần dược quốc tế Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty cổ phần dược quốc tế Long Khang Group, Công ty cổ phần dinh dưỡng y học BFF, Công ty cổ phần dược quốc tế Safaco Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Darifa Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Win CT, Công ty cổ phần dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty cổ phần dược Á Châu thì không nên sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Trước đó, báo Lao Động ngày 13/04 cũng có bài đăng với thông tin: “Đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả lộ diện, người tiêu dùng hoang mang”. Nội dung được báo đưa như sau:

Làm sữa giả dành cho những đối tượng nhạy cảm, yếu thế nhất

Liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả vừa bị triệt phá, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác để điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Công an xác định từ tháng 8.2021, nhóm của Cường, Hà nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước.

Đến nay, đường dây này đã sản xuất tới 573 loại sữa bột khác nhau. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Các thành phần công bố sản phẩm như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Các nghi phạm đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Trước thông tin này, nhiều người lo ngại cho rằng thời gian qua có thể rất nhiều người đã sử dụng các loại sữa giả. Trên mạng xã hội, người dân đua nhau chụp ảnh các loại sữa mà bản thân và con cái họ đang sử dụng, rồi sốc với những hình ảnh trùng khít các loại sữa giả mà cơ quan chức năng đã phanh phui.

Một bà mẹ bình luận câu nói khiến nhiều người đau lòng: “Ôi, có sữa con mình sinh non đang uống”.

“Tôi gầy uống mãi sữa (một trong những nhãn hiệu sữa giả vừa bị cơ quan công an phanh phui) tốn bao nhiêu tiền mãi vẫn gầy, thì ra là sữa giả, dã man quá” – một người dân chia sẻ trên mạng xã hội.

Các đối tượng làm sữa giả đã nhắm vào những đối tượng khách hàng như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai… là những đối tượng nhạy cảm, yếu thế nhất trong xã hội. Nhiều người chỉ biết thốt lên: “Quá tàn ác”, “Quá nhẫn tâm”…

Nguy hại rất lớn đối với sức khỏe con người

Về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Về mặt hàm lượng dinh dưỡng, những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp.

Cũng theo cơ quan chức năng, những loại sữa mà hai công ty này sản xuất dù công bố chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo… nhưng thực tế không có trong sản phẩm.

Điều này khiến người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa, bỏ qua việc bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng.

“Đồng thời nếu quy trình sản xuất, đóng gói không khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc”, bác sĩ Sơn cho hay.

Đối với các loại sản phẩm sữa kém chất lượng, không đúng thành phần như công bố, theo các chuyên gia, người tiêu dùng rất khó nhận biết, chỉ khi cơ quan chức năng kiểm nghiệm cụ thể từng thành phần sữa mới có thể phát hiện.

Do vậy, bác sĩ Sơn khuyến cáo cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cơ quan công an xác định từ tháng 8.2021, nhóm của Cường, Hà nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước.

Cường, Hà sau đó chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma (địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ tại LK52-10, khu đô thị mới Phú Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập ra hệ sinh thái các doanh nghiệp trên và cũng là cổ đông góp vốn chính tại Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.

Công an xác định hai người này cũng là nghi phạm chính, chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột.

Trong đó, Hoàng Mạnh Hà ký các văn bản quan trọng với chức danh “người đại diện theo pháp luật” như bản thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh… của Công ty Rance Pharma.

Next Post

Số lượng người mắc u tuyến giáp ngày càng tăng! Các bác sĩ đã nhiều lần nhấn mạnh: Ăn ít cà chua và ăn nhiều hơn 3 loại thực phẩm này

T3 Th4 15 , 2025
U tuyến giáp (nhân giáp) là bệnh lý tuyến giáp thường gặp trên lâm sàng, khi u tuyến giáp tăng kích thước có thể gây ra khối gồ lên ở vùng cổ. Trong những năm gần đây, số lượng người mắc u tuyến giáp ngày càng gia tăng, đặc biệt […]

Bài Liên Quan