Sau khi được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp tại Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình, trước khi nhận công tác, những người mới đều phải ‘tự nguyện’ cho nhà trường ‘mượn’ một số tiền nhất định, tùy theo vị trí việc làm.
Theo phản ánh, cuối năm 2021, Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp năm 2021. Đến tháng 1/2022, trường này có quyết định tuyển dụng những người trúng tuyển. Lạ lùng thay, những người trúng tuyển, trước khi nhận công tác theo quyết định, đều được nhà trường yêu cầu hỗ trợ nhà trường một ít tiền mặt mà không hề có hóa đơn, chứng từ.
Sau khi sự việc bị bại lộ, gây xôn xao dư luận, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình cho gọi những viên chức mới tuyển dụng đã “hỗ trợ tiền” lên viết giấy cho nhà trường mượn tiền.
Theo đó, giấy cho mượn tiền được in sẵn theo mẫu như: Tôi tên là…, đang công tác tại… Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, tự nguyện cho nhà trường mượn số tiền…, thời hạn 24 tháng, nội dung mượn tiền nhằm giải quyết một số công việc trước mắt của nhà trường. Giấy mượn tiền này có xác nhận của nhà trường, đóng dấu và quyền Hiệu trưởng Lê Viết Hùng ký tên.
Theo ngày tháng ghi trên giấy mượn tiền (5/1/2022), có nghĩa là đến ngày 5/1/2024, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình phải trả lại số tiền đã mượn. Tuy nhiên, theo phản ánh, một số viên chức bỏ việc đã không lấy lại được tiền vì chưa đến hạn. Số viên chức còn ở lại cũng không ai dám đòi lại số tiền đã cho mượn.
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, nơi để xảy ra nhiều lùm xùm trong thời gian dài
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình (thời điểm đấy là quyền Hiệu trưởng) – người ký vào giấy mượn tiền cho rằng: Việc “mượn tiền” là để “giữ chân” viên chức vì sợ họ “nhảy việc”.
Theo phản ánh của một số “khổ chủ” đã cho mượn tiền, hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, sau khi phóng viên làm việc về vấn đề này, một kế toán của trường đã điện thoại cho họ để xin lại “giấy cho mượn tiền”.
Ông Hùng giãi bày: Tháng 1/2022, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình có quyết định tuyển dụng các trường hợp trúng tuyển vào viên chức sự nghiệp của trường.
Để “giữ chân” các viên chức, nhất là các vị trí giảng viên nhằm bảo đảm vấn đề hậu kiểm sau này của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, nên nhà trường mới nghĩ ra cách “mượn tiền”.
Trước khi triển khai mượn tiền, nhà trường đã mời các viên chức đến và trao đổi rằng: Trong triển khai công việc của trường có một số khó khăn nên trường muốn mượn và sẽ trả lại tiền theo đúng thời hạn mượn.
Ông Hùng cho hay: Số tiền trường mượn tùy từng trường hợp, có thể 2, 3, 5 triệu đồng đối với viên chức thường; còn đối với giảng viên thì cao hơn có thể 10 hoặc 20 triệu đồng. Ai cho mượn thì viết giấy, ông ký và đóng dấu nhà trường, còn tiền thì nộp cho kế toán và không hề sử dụng vào bất cứ mục đích gì.
Giấy cho mượn tiền được ông Lê Viết Hùng ký xác nhận và đóng dấu nhà trường
Ông Hùng nói, không nhớ rõ chính xác đã ký bao nhiêu giấy mượn tiền, mà hình như 18 người và cũng không nhớ tổng số tiền đã mượn là bao nhiêu. Đồng thời, khẳng định tất cả số tiền nhà trường mượn đã trả lại hết ngay khi đến hạn.
Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong đề nghị cung cấp chứng từ chứng minh những người đã nhận lại tiền, ông Hùng nói không có và lý giải: “Số tiền đó khi kế toán nhận về, gói thành từng gói, ghi tên từng người để trong két sắt không dùng vào việc gì. Khi đến hạn, họ đưa giấy mượn tiền và nhận lại cả gói, nên không có chứng từ. Nói thật, giờ ai mà còn giấy đó (giấy mượn tiền) họ mang đến đòi thì cá nhân tôi hoặc nhà trường phải đền thôi”.
Như Tiền Phong đã thông tin, với thâm niên hơn 10 năm giữ các vị trí chủ chốt ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Bình, ông Lê Viết Hùng đã nhận nhiều người nhà có trình độ xuất phát điểm thấp, sau đó cho đi học tại chức, tuyển dụng vào viên chức, rồi quy hoạch, bố trí vào các vị trí chủ chốt của nhà trường.
Hoàng Nam