Việc không quy định người dân được giám sát CSGT thông qua hình thức bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11.
Cụ thể, nếu hiện nay điều 11 Thông tư 67/2019 quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện) thì tại Thông tư 46/2024, Bộ Công an đã bỏ quy định này.
Kể từ ngày 15-11, người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Từ 15-11, bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Lý giải về việc này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết thời gian qua, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
“Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm, nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ CSGT” – đại diện Cục CSGT nêu rõ.
Đại diện Cục CSGT cho rằng việc không quy định người dân được giám sát CSGT thông qua hình thức bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, phù hợp với quy định của Nghị định số 13 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ Công an sẽ đưa nội dung, quy định công an các đơn vị, địa phương bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT vào thông tư quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trường hợp người dân vẫn sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của CSGT thì phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT.
Thông tư số 46 năm 2024 cũng đã bãi bỏ việc công khai nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên (gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính). Cùng với đó, bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe trong công tác đăng ký, cấp biển số xe.
Bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.
Theo Cục CSGT, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp, hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông.
“Do đó, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng” – đại diện Cục CSGT khẳng định.
Cục CSGT cho biết trong thực tiễn, quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Theo Bảo Ngọc (Nld.com.vn)