Tổng Bí thư: Tiến tới, Nhà nước phải nuôi các cháu trong độ tuổi đi học

Sáng 9/11, phát biểu tại tổ Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời gian đề cập những vấn đề trong dự án Luật Nhà giáo.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, giáo dục đào tạo có ý nghĩa chiến lược trong công tác cán bộ, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người thầy. Trong giáo dục và đào tạo cần xác định đâu là khâu đột phá, trọng tâm.

Tổng Bí thư cho rằng, trước hết phải xác định vai trò rất quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong đó người thầy là chủ thể chính. Trong Luật Nhà giáo cần phải giải quyết thật tốt tương quan giữa thầy và trò.

“Nhà  nước có chính sách rất quan trọng là phổ cập giáo dục, tiến dần từ tiểu học đến trung học, các cháu đến tuổi là được đến trường. Tiến tới, Nhà nước bỏ học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học. Tiến bộ là phải như vậy!”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, để thực hiện được yêu cầu đó thì không thể để xảy ra tình trạng thiếu thầy cô, thiếu trường lớp vì “có thầy là phải có trò”. Hơn nữa, điều kiện đất nước hiện nay đã tương đối thuận lợi để thực hiện mục tiêu này, vì căn cứ vào dữ liệu dân cư có thể biết được một năm có bao nhiêu trẻ em đến độ tuổi đi học.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến những vấn đề trong dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: Như Ý

Từ dữ liệu đó, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động chuẩn bị giáo viên, trường lớp để cho các cháu đi học. Tổng Bí thư nhắc đến vấn đề rất thời sự, đó là trong quy hoạch phải đảm bảo trường lớp cho học sinh. “Đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý thế nào mà không có trường được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đặt vấn đề, đất nước hội nhập thì ngành giáo dục đào tạo, giáo viên cũng cần hội nhập. Đặc biệt khi chúng ta phổ cập tiếng Anh trong giáo dục thì người thầy có trình độ tiếng Anh như thế nào? Ngoài ra, người nước ngoài vào giảng dạy có chấp hành Luật Nhà giáo không?

“Những vấn đề này phải có chính sách cụ thể. Nếu thầy không có tiếng Anh, làm sao học sinh có tiếng Anh được? Thầy toán cũng phải có tiếng Anh chứ không phải chỉ có giáo viên ngoại ngữ. Thầy văn cũng phải như thế. Phải tiếp cận và hội nhập như thế”, Tổng Bí thư lưu ý.

Về chính sách học tập suốt đời, Tổng Bí thư cho rằng, nếu quy định khô cứng, thầy giáo bao nhiêu tuổi phải nghỉ hưu? Người già còn đi học mà thầy đến tuổi nghỉ hưu và không được đi dạy thì rất khó khăn.

Đề cập đến vấn đề giảng dạy trong môi trường đặc biệt, Tổng Bí thư nêu ví dụ với người thầy ở khu vực miền núi, phải được coi là môi trường đặc biệt. Thầy phải dỗ dành các cháu đến trường, nuôi các cháu đi học, động viên, thầy phải hy sinh. “Với những địa bàn rất đặc biệt, phải có chính sách cụ thể”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Nhấn mạnh đội ngũ nhà giáo rất chờ đón Luật Nhà giáo được ban hành, Tổng Bí thư lưu ý, việc xây dựng dự án luật này phải làm sao để người thầy thực sự đón nhận với một sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi.

Giao quyền tuyển dụng tránh nơi thừa, nơi thiếu

Nêu ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho rằng, quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và các cơ sở giáo dục trong chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo từ tuyển dụng, đánh giá đến đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông Thành, cơ quan quản lý giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế thì sử dụng sẽ chủ động, điều động, luân chuyển, biệt phái, đáp ứng được yêu cầu, hạn chế được tình trạng thừa – thiếu cục bộ của các địa phương.

Đại biểu Thái Văn Thành. Ảnh: Đình Sơn

 

Trên thực tế, ông Thành cho biết, hiện nay có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện đang thiếu được, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế.

“Lâu nay chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua phòng nội vụ rồi quay ngược lại phòng giáo dục, rồi lại quay trở về phòng nội vụ, 3-4 vòng làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”, ông Thành nói.

Nếu ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ quản lý biên chế, dẫn đến không thể đặt hàng đào tạo được, vì đặt hàng xong rồi ra trường không có chỉ tiêu biên chế thì sao?

Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, việc chủ động được biên chế sẽ giúp thuận lợi trong việc thực hiện tiêu chuẩn nghề nghiệp và chuẩn nhà giáo, tạo ra hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng nhà giáo.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-tien-toi-nha-nuoc-phai-nuoi-cac-chau-trong-do-tuoi-di-hoc-2340377.html

 

Next Post

Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn ở Mỹ dù đang bị đình chỉ 9 tháng, không chấp nhận nổi

CN Th11 10 , 2024
Thông tin Đàm Vĩnh Hưng sẽ xuất hiện trong một đêm nhạc vào cuối tháng 11 tại Mỹ nhận được nhiều tranh cãi của khán giả. Ca sĩ Dương Triệu Vũ gây chú ý khi thông báo trên trang cá nhân việc sẽ cùng Đàm Vĩnh Hưng góp giọng trong một đêm […]

Bài Liên Quan