Đóng nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là ở thái độ của những người lớn với nhau.
Tôi là một phụ huynh đã từng từ chối đến cùng việc đóng quỹ lớp cho con. Thậm chí tôi cũng đã từng phản ứng có phần gay gắt với ban phụ huynh của lớp con mình.
Trước hết tôi cần nói rõ ràng rằng mọi mâu thuẫn đều xảy ra giữa tôi và ban phụ huynh lớp của con, còn cô giáo chủ nhiệm của con thì tôi luôn rất tôn trọng. Bản thân cô giáo cũng hoàn toàn đứng ngoài sự việc này.
Chuyện xảy ra khi con tôi học lớp 1. Năm đó tại miền Trung có mưa bão rất lớn, do đặc thù công việc, thời điểm đó tôi không có ở nhà với con trai, thằng bé ở với ông bà ngoại.
Đầu năm học, như mọi lớp học khác, lớp con trai tôi cũng bầu ra ban phụ huynh và trưởng ban phụ huynh. Cuộc họp đầu năm diễn ra và thống nhất số tiền quỹ lớp phải đóng cho các con là 800 nghìn đồng. Tôi và các phụ huynh khác đều đồng thuận.
Thời điểm đó công việc ở miền Trung chiếm hết thời gian của tôi, có những vùng bão lũ hoàn toàn không có sóng nên tôi không thể để ý mọi thứ trên chiếc điện thoại của mình. Và drama phụ huynh đầu tiên của tôi bắt đầu từ đấy.
Việc nộp quỹ lớp thứ nhất là không có hạn nộp cụ thể, ấn định là ngày nào phải đóng. Thứ hai, quỹ lớp không phải là khoản tiền bắt buộc mà phải đóng ngay và luôn, không được chậm trễ. Bởi vậy tôi có phần chủ quan, nghĩ rằng cứ đợi xong việc ở đây rồi về Hà Nội đóng tiền cho con cũng không sao.
Thế nhưng khi từ miền Trung trở lại, tôi nhận ngay được tin nhắn của trưởng ban phụ huynh với những lời lẽ mỉa mai, xúc phạm.
“Cả lớp đã đóng tiền quỹ hết rồi chỉ riêng bạn A. là chưa đóng. Nhà bạn A. nếu như nghèo quá không đóng nổi tiền thì xin giấy hộ nghèo để được miễn giảm các khoản học phí chứ đừng để ảnh hưởng đến tập thể”.
Tin nhắn này được gửi ngay trên nhóm phụ huynh, có cả cô giáo chủ nhiệm.
Chuyện đã qua 3 năm rồi nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc đan xen. Tức giận có, tự ái có, tủi hờn có, thương con nữa.
Tôi chợt rùng mình nghĩ rằng, nếu như những đứa trẻ cũng dùng những lời lẽ này, thái độ này để đối xử với nhau thì sao?
Hay giả dụ như lời nói này là nói với một gia đình thật sự khó khăn về kinh tế thì lòng tự trọng của họ sẽ bị tổn thương như thế nào?
Sau đó, cô giáo chủ nhiệm và nhà trường đã có buổi gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn giữa tôi và vị trưởng ban phụ huynh kia. Thế nhưng thái độ của chị H. thì vẫn là thái độ khinh khỉnh đó và vẫn cho rằng mình nói như vậy chẳng có gì không phải với ai.
Tôi không muốn đôi co, mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng. Câu kết thúc của tôi trong buổi hôm đó là: Vì sao người ta hay chọn trưởng ban phụ huynh là người lớn tuổi? Vì lớn tuổi họ điềm tĩnh hơn, họ biết cách tinh tế xử lý vấn đề phát sinh hơn. Như vậy họ sẽ hạn chế được những mâu thuẫn nhạy cảm như thế này.
Tôi vẫn nộp tiền cho con nhưng sau năm học đó, chị H. không tiếp tục làm trưởng ban phụ huynh nữa. Ngay lớp 2, lớp thằng bé nhà tôi bầu trưởng ban phụ huynh mới, chị cực kỳ tinh tế trong ứng xử. Thu chi đều rành mạch và dù có thu tiền quỹ nhiều hơn lớp 1 nhưng chưa một người nào lên tiếng phản đối.
Thu nhiều hay ít không phải vấn đề, vấn đề nằm ở thái độ của chính những người lớn với nhau!
Theo Mạn Ngọc (Phụ Nữ Mới)