Thiên thạch C0WEPC5 lao xuống trái đất tại vùng Viễn Đông của Nga và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển, nhưng chưa rõ liệu có mảnh vỡ nào rơi xuống trái đất hay không.
Một thiên thạch lao xuống trái đất, thắp sáng bầu trời tại khu vực Yakutia thuộc vùng Viễn Đông của Nga vào rạng sáng 4.12, tạo ra một quả cầu lửa trước khi bùng cháy trong bầu khí quyển.
Reuters dẫn thông cáo của Cơ quan Khẩn cấp Yakutia cho biết mọi cơ quan liên quan được đặt trong tình trạng báo động khi thiên thạch lao xuống, nhưng chưa có thông tin về thiệt hại sau khi thiên thạch rơi.
“Người dân ở các quận Olekminsk và Lensk vào ban đêm đã có thể quan sát thấy một cái đuôi giống như sao chổi và một tia sáng”, thông cáo cho biết.
Xem thiên thạch cháy rực trên bầu trời Nga
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết thiên thạch trên có đường kính 70 cm và được phát hiện khoảng 12 giờ trước khi xuất hiện trên bầu trời. Thiên thạch đi vào bầu khí quyển lúc 1 giờ 15 (giờ địa phương).
“Nhờ các quan sát từ các nhà thiên văn học trên khắp thế giới, hệ thống cảnh báo của chúng tôi đã có thể dự đoán được vụ va chạm này trong vòng +/- 10 giây”, ESA cho biết.
Tạp chí New Scientist dẫn lời nhà thiên văn học Alan Fitzsimmons tại Đại học Queen ở Belfast (Anh) cho biết trước khi quả cầu lửa xuất hiện, thiên thạch trên dù nhỏ “nhưng vẫn rất ngoạn mục, có thể nhìn thấy từ hàng trăm km”.
Theo ABC News, thiên thạch trên có tên gọi là C0WEPC5 và là thiên thạch thứ 4 được phát hiện lao xuống trái đất trong năm nay. Hiện chưa rõ có mảnh vỡ rơi xuống trái đất hay không.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết 132 thiên thạch đã bay qua gần trái đất hơn so với mặt trăng kể từ tháng 10.2023.