Cũng theo ông Cường, nhiều bộ di cốt nằm trong đất hàng nghìn năm vẫn còn khá đầy đủ các bộ phận vì trong đất có muối khoáng giúp giữ lại các phần xương.

Tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, các nhà khoa học phát hiện hơn 300 mộ táng tiền Đông Sơn và mộ táng Đông Sơn. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau (đều từ trên 2.000 năm trước) vẫn còn được bảo tồn khá tốt.

Tuy nhiên, những bộ hài cốt ở ngõ 167 Tây Sơn đã bị tiêu khá nhiều. Lý do là bởi các bộ xương được cải táng đưa vào tiểu. Khoảng không tồn tại vi khuẩn đã phá hủy các di cốt.

Để xác định niên đại của một bộ hài cốt theo ông Cường có thể thông qua ADN hoặc đo số lượng carbon-14. Việc nghiên cứu giúp đem đến các thông tin về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng…

“Tuy nhiên, những hài cốt này đã bị tiêu khá nhiều nên việc xác định niên đại có thể cũng sẽ gặp khó”, ông nói.

Cần nghiên cứu sâu hơn về con phố

Bàn về các bộ hài cốt tìm thấy tại ngõ 167 Tây Sơn, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ ông nghĩ tới giả định số hài cốt có liên quan đến nghĩa sĩ Tây Sơn, khoảng cuối thế kỷ thứ 18.

Nghĩa sĩ Tây Sơn được thờ chung tại chùa Kim Sơn (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) nhưng chưa ai tìm hiểu được về nơi chôn cất.

“Việc chôn cất sau khi cải táng có phần kín đáo, san bằng, không để lại dấu tích gì thì có thể có lý do liên quan đến vấn đề lịch sử”, ông Quốc băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường chia sẻ, từ trước đến nay, mộ phần của các nghĩa sĩ Tây Sơn vẫn còn là một ẩn số.

“Chưa từng có khu phố nào ở Hà Nội phát hiện ra nhiều hài cốt vô danh được chôn cất dạng này. Tôi nghĩ, Hà Nội cần nghiên cứu làm rõ tính lịch sử của khu phố, tìm hiểu xem trước đây có trận đánh nào diễn ra ở đây không. Đây huống chi còn là khu vực gần gò Đống Đa”, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam nói.