Một nữ diễn viên nổi tiếng trong showbiz khiến công chúng phẫn nộ vì quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.
Ngày 09/04/2025 Saostar đưa tin “Sao nữ đình đám showbiz bị phạt 25 tỷ đồng vì quảng cáo sai sự thật”. Nội dung chính như sau:
Dựa vào sức ảnh hưởng của mình, nhiều nghệ sĩ thường được mời làm đại diện thương hiệu, quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ. Nghệ sĩ càng nổi tiếng, giá trị hợp đồng quảng cáo càng cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít rủi ro. Đã có nhiều trường hợp nghệ sĩ bị phạt nặng vì quảng cáo sai lệch thông tin, không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp.
Trong làng giải trí Hoa ngữ, không ít nghệ sĩ từng “nhắm mắt” ký hợp đồng quảng cáo mà không kiểm chứng chất lượng sản phẩm hay đơn vị kinh doanh. Trường hợp của nữ diễn viên đình đám Cảnh Điềm là một ví dụ điển hình.
Cảnh Điềm bị Cơ quan Giám sát thị trường thành phố Quảng Châu xử phạt 7,2 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 25 tỷ đồng). Ảnh: Weibo
Vào tháng 5/2022, Cảnh Điềm bị Cơ quan Giám sát thị trường thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) xử phạt 7,2 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 25 tỷ đồng) vì vi phạm luật quảng cáo. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nữ chính của phim Tư Đằng đã quảng cáo quá mức công dụng của một sản phẩm chưa từng được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Ngoài khoản tiền phạt khổng lồ, Cảnh Điềm còn bị cấm nhận hợp đồng quảng cáo mới trong vòng 3 năm.
Ngoài khoản tiền phạt khổng lồ, Cảnh Điềm còn bị cấm nhận hợp đồng quảng cáo mới trong vòng 3 năm. Ảnh: Weibo
Cô trở thành nữ diễn viên hạng A đầu tiên tại Trung Quốc bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật, giới thiệu sản phẩm kém chất lượng đến công chúng. Dù đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, Cảnh Điềm vẫn phải đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội. Sau khi sự việc được truyền thông công bố rộng rãi, hàng loạt thương hiệu lớn như Dior, Ánh Trăng Xanh… đã chấm dứt hợp tác với cô.
Dù vụ bê bối đã xảy ra từ lâu, nhưng đến nay, hậu quả vẫn còn hiện hữu. Nhiều khán giả mất lòng tin vào các sản phẩm do Cảnh Điềm đại diện. Việc bị cấm nhận quảng cáo mới trong 3 năm khiến nguồn thu nhập của nữ diễn viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều khán giả mất lòng tin vào các sản phẩm do Cảnh Điềm đại diện. Ảnh: Weibo
Cảnh Điềm từng được biết đến là một trong những mỹ nhân nổi bật của showbiz Hoa ngữ. Cô gây ấn tượng qua các bộ phim truyền hình như Đại Đường Vinh Diệu, Tư Đằng, Tự Cẩm, cũng như các dự án điện ảnh lớn như Chiến Quốc, Câu Chuyện Cảnh Sát, Trường Thành, Kong: Đảo Đầu Lâu, Siêu Đại Chiến: Trỗi Dậy…
Ngày 04/03/2025 báo Tiền Phong đưa tin “Cần xử lý nghiêm TikToker, nghệ sĩ cố tình quảng cáo sai sự thật”. Nội dung chính như sau:
Hot TikToker xin lỗi vì quảng cáo sai
Hai TikToker nổi tiếng Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog liên tục xin lỗi vì truyền tải thông tin chưa chính xác khi quảng cáo sản phẩm trên mạng.
Hôm 28/2, Hằng Du Mục lên tiếng về lùm xùm quảng cáo sản phẩm yến sào trong phiên livestream ngày 15/12/2024. Trong buổi live, TikToker giới thiệu sản phẩm yến sào được làm từ yến nguyên chất, không tính theo phần trăm mà tính dựa trên gam yến tươi có trong hũ.
Hằng Du Mục quảng cáo một hũ 70 ml có đến 30 gram yến tươi, thậm chí còn nhấn mạnh là tổ yến A5, không phải hàng vụn. Mức giá chỉ 188.000 đồng/6 hũ trên livestream.
Quang Linh, Hằng Du Mục liên tiếp xin lỗi vì quảng cáo không chính xác thông tin sản phẩm.
Một số người kinh doanh ngành yến cho rằng thông tin Hằng Du Mục đưa ra không hợp lý bởi một hũ dung tích 70 ml không thể chứa tới 30 g yến chưng. Mức giá Hằng Du Mục quảng cáo cũng gây tranh cãi.
Sau khi bị phản ứng, nữ TikToker cho biết cô cùng ê-kíp tới Nha Trang làm rõ quy trình sản xuất sản phẩm, tổ chức họp báo thông tin về vụ việc. Buổi họp có sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội Yến Sào Việt Nam.
“Ngay sau khi nhận ra nhầm lẫn, tôi điều chỉnh và chia sẻ thông tin chính xác về hàm lượng và tiêu chuẩn của yến như công bố ở những phiên live sau”, Hằng Du Mục nói trong buổi họp.
Cô xin lỗi khách hàng và những người trong ngành vì nhầm lẫn xuất phát từ phương diện cá nhân. “Đây là bài học đắt giá và sâu sắc giúp tôi trưởng thành hơn và nhắc nhở tôi luôn luôn phải nghiêm túc. Tôi cam kết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, cải thiện quy trình kiểm soát thông tin”, Hằng Du Mục xin lỗi trên trang cá nhân.
Trước đó vài ngày, Quang Linh (chủ kênh Quang Linh Vlogs) giải thích lỗi tương tự. Trong phiên livestream, Quang Linh giới thiệu kẹo dành cho người “không ăn được rau, nhìn thấy rau là chạy”, “một viên tương đương một đĩa rau”. Cư dân mạng cho rằng anh quảng cáo lố, thổi phồng công dụng sản phẩm.
Sau đó Quang Linh gửi lời xin lỗi, thừa nhận quảng cáo “một viên tương đương một đĩa rau” là chưa chính xác, gây hiểu nhầm cho khách hàng.
Sức ảnh hưởng lớn, trách nhiệm phải cao
Nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thường được nhãn hàng hợp tác để quảng cáo sản phẩm. Đây là kênh quảng cáo hữu hiệu nhưng nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam – khẳng định Luật Quảng cáo có nội dung liên quan đến người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng bởi độ lan tỏa các bài viết của họ rất lớn. Vì thế, ý thức trách nhiệm cũng phải cao hơn.
“Dự thảo Luật Quảng cáo đề cập nội dung người có ảnh hưởng quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo ra mối nguy hiểm cho cộng đồng”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Ông nhấn mạnh mạnh những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai phải được xử lý nghiêm.
Nghệ sĩ Cát Tường từng công khai xin lỗi vì quảng cáo sản phẩm sữa sai sự thật.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, lựa chọn tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến dần bị chi phối bởi các nhận định, đánh giá của khách hàng được đăng tải công khai trên các sàn thương mại điện tử hay các kênh mua sắm trực tuyến. Lựa chọn tiêu dùng cũng được định hướng bởi hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng (KOL).
Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo và Niềm tin toàn cầu Nielsen, với một sản phẩm, 92% người tiêu dùng tin vào lời giới thiệu của bạn bè và người thân hơn là quảng cáo của nhà sản xuất.
Nắm bắt tâm lý muốn giống người nổi tiếng, việc sử dụng KOL quảng bá sản phẩm, thương hiệu dần trở nên phổ biến. Không ít doanh nghiệp coi đây là kênh tối ưu cho mỗi chiến dịch tung ra sản phẩm mới.
Không ít trường hợp một số KOL bị phanh phui quảng bá hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của KOL trong nhiều trường hợp gây không ít hệ lụy, thậm chí thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh giám sát, xử lý
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri ngày 5/1 về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng sản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định tình trạng diễn biến phức tạp trên không gian mạng và gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Các cá nhân thường lợi dụng sự nổi tiếng, được nhiều người quan tâm để quảng cáo phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm, lừa dối người tiêu dùng về việc đã sử dụng sản phẩm; dùng uy tín cá nhân quảng cáo cho hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dịch vụ tài chính, đầu tư, tiền ảo và tín dụng đen…
Hình thức quảng cáo phổ biến nhất là tự đăng tin bài, livestream bằng tài khoản mạng xã hội có đông người theo dõi.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ đẩy mạnh việc giám sát, xử lý nghiêm những nghệ sĩ, KOL quảng cáo sai sự thật, tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo sai sự thật, tập trung trên Facebook, YouTube, TikTok.
Trách nhiệm xác thực thông tin quảng cáo và đảm bảo nội dung quảng cáo minh bạch, an toàn của người nổi tiếng, KOL cũng cần được bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo.