Bỗng phát hiện mình mắc ung thư không thể phẫu thuật được nữa nhưng người đàn ông này lại tỏ ra vui vẻ, cảm ơn tổ tiên thay vì buồn phiền.
Ngày 06/04/2025, Thanh niên Việt đưa tin “Phát hiện ung thư giai đoạn cuối sau khi viếng mộ dịp Tết Thanh minh, người đàn ông thầm “cảm ơn tổ tiên”‘. Nội dung chính như sau:
Theo truyền thông Trung Quốc, vào Tết Thanh minh ba năm trước, một người gốc Hoa đã sống ở Pháp nhiều năm, trở về quê nhà tại Trung Quốc để tỏ lòng thành kính và quét dọn phần mộ của tổ tiên. Khi đang thắp hương cho tổ tiên, ông đột nhiên bị ngạt khói và bắt đầu hắt hơi, ho.
Lúc đầu, người này và gia đình không coi trọng tình huống trên. Không ngờ cơn ho ngày càng nặng hơn nên người đàn ông đã đến bệnh viện địa phương để kiểm tra. Bác sĩ cho biết có khối u trong phổi của ông này và tình hình không khả quan. Ông được bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện tuyến trên để kiểm tra thêm ngay lập tức. Điều này khiến người đàn ông khá ngạc nhiên, vì ông cho rằng mình có sức khỏe tốt và thói quen sống tốt. Ông chưa bao giờ hút thuốc và chưa bao giờ cảm thấy bất thường ở phổi của mình.
Sau đó, ông đến bệnh viện tuyến trên kiểm tra thì kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư phổi giai đoạn tiến triển và di căn hạch bạch huyết. Sau khi tham vấn đa chuyên khoa, các chuyên gia từ các khoa bao gồm ung thư, phẫu thuật lồng ngực tổng quát và xạ trị đã kết luận rằng không thể phẫu thuật được nữa.
Nghe vậy nhưng người đàn ông lại buột miệng nói: “Cảm ơn tổ tiên đã để tôi bị sặc khói nhang. Đây là tổ tiên nhắc nhở tôi! Nếu không, tôi không biết phải mất bao lâu nữa tôi mới phát hiện ra bệnh!”.
May mắn là dù không thể phẫu thuật nhưng sau khi tích cực hợp tác điều trị, tình trạng của người đàn ông đã cải thiện, các tế bào ung thư đã được kiểm soát hiệu quả và sức khỏe cũng được phục hồi đáng kể. Ông cho biết năm nay ông sẽ lại đi tảo mộ, thờ cúng tổ tiên để cảm ơn họ đã ban phước lành.
Báo Người đưa tin ngày 08/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Gia đình có 9 người mắc ung thư, 8 người đã qua đời, bác sĩ chỉ ra sự thật” cùng nội dung như sau:
Tờ HK01 đưa tin, câu chuyện đáng chú ý xảy ra tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Theo truyền thông Trung Quốc, người đàn ông họ Tần, ngoài 60 tuổi, một thành viên trong gia đình này, gần đây đến bệnh viện kiểm tra vì ho dai dẳng kèm theo hiện tượng khạc ra máu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông bị ung thư phổi.
Trong quá trình ông Tần điều trị, em trai của ông cũng được xác nhận mắc đồng thời ung thư phổi và ung thư gan, đã qua đời không lâu sau đó.
Khi tìm hiểu sâu hơn, bác sĩ phát hiện ra một sự thật: Trong gia đình của ông Tần, qua ba thế hệ, có tới 9 người từng bị chẩn đoán ung thư.
Trước đó, thế hệ ông bà của ông Tần có 1 người bị ung thư thực quản, 2 người bị ung thư dạ dày. Bố ông Tần làm việc trong môi trường phức tạp và mắc ung thư phổi. Ngoài em trai ông Tần, hai người chú và anh trai cả của ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tất cả đều qua đời vì căn bệnh ung thư.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân bệnh tật của gia đình ông Tần rất phức tạp, có thể liên quan đến môi trường độc hại. Đặc biệt, gia đình này có tiền sử hút thuốc lâu dài. Chính ông Tần cũng tiết lộ: “Tôi đã hút thuốc 50 năm nay, mỗi ngày hút 2-3 bao thuốc”.
Kết quả xét nghiệm chuyên sâu còn cho thấy gia đình ông Tần mang đột biến gene hiếm gặp, đây có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư di truyền suốt ba thế hệ. Tuy nhiên, các bác sĩ không tiết lộ đây là loại gene nào.
Câu chuyện của gia đình ông Tần sau đó đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình rằng yếu tố gene có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư trong gia đình.
“Thực ra, ung thư có liên quan mật thiết đến gene. Bố tôi có 8 anh chị em, trong đó, có tổng cộng 4 người mắc ung thư. Ông nội tôi mất vì ung thư, con gái của dì cả tôi cũng bị ung thư. Vì vậy, một số bệnh ung thư có thể di truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau”, một người dùng mạng xã hội chia sẻ.
Một người khác viết: “Gần nhà tôi cũng có một gia đình có nhiều thành viên trong nhà cùng mắc ung thư”.
Dù yếu tố di truyền không thể thay đổi, bác sĩ nhấn mạnh rằng lối sống lành mạnh, như việc bỏ thuốc lá, hoàn toàn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ảnh minh hoạ.
Giáo sư Trương Khải, chuyên gia từ Khoa Phòng chống Ung thư, Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc, cho biết, trong số các ca mắc ung thư, chỉ có 5% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, khoảng 20% trường hợp mắc ung thư có liên quan đến đột biến gene, còn lại là do các yếu tố khác.
Bác sĩ Khải giải thích thêm: Việc có người thân mắc ung thư không đồng nghĩa cả gia đình đều thuộc nhóm nguy cơ cao. Để đánh giá chính xác nguy cơ của bản thân khi gia đình có tiền sử ung thư, cần xem xét 4 yếu tố chính, cụ thể:
1. Số lượng người trong gia đình mắc bệnh
Nếu trong gia đình chỉ có một người mắc ung thư, mọi người không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có 2-3 thành viên trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột, con cái) mắc cùng một loại ung thư, chuyên gia khuyến nghị mọi người nên xem xét yếu tố di truyền và xét nghiệm gene nếu cần thiết.
2. Độ tuổi mắc bệnh
Mọi người cần xem xét độ tuổi mắc ung thư của các thành viên trong gia đình. Ví dụ, độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở các nước Đông Á là 45-49 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư cổ tử cung là 51 tuổi; độ tuổi trung bình mắc ung thư tủy xương là khoảng 65 tuổi và ung thư buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 40-60… Nếu một người thân trong gia đình bạn mắc bệnh ung thư ở độ tuổi 30 thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
3. Loại ung thư hiếm gặp
Nếu người thân mắc phải ung thư hiếm gặp, chẳng hạn như nam giới trong gia đình mắc ung thư vú, nguy cơ di truyền cũng sẽ cao hơn.
4. Yếu tố Gene
Nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xét nghiệm gene BRCA. Nếu xét nghiệm phát hiện đột biến gen BRCA1/2, nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ châu Á có thể lên tới 56%, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là từ 23-54%, cao hơn hẳn so với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ bình thường là khoảng 1%.
Giáo sư Trương Khải cho biết, dù gene đóng vai trò quan trọng, lối sống vẫn là yếu tố then chốt để kiểm soát nguy cơ. Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tầm soát sức khỏe định kỳ có thể là “tấm khiên” bảo vệ bạn trước căn bệnh quái ác này.