Mới đây, một người phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc) phát hiện bản thân đã uống nước thải từ máy lọc nước suốt 5 năm. Một lỗi lắp đặt tưởng chừng đơn giản đã biến máy lọc nước thành “máy xả nước bẩn”.
Ngày 26/03/2025, báo Dân trí đưa tin “Người phụ nữ sốc khi biết mình uống nhầm nước thải suốt 5 năm”. Nội dung chính như sau:
Kết quả khiến cô sững sờ: Nước từ máy lọc có chỉ số TDS lên tới 600 – cao gấp đôi so với nước máy bình thường. Điều này có nghĩa là dòng nước mà cô tin rằng đã được lọc sạch thực chất còn bẩn hơn cả nước chưa qua xử lý.
Băn khoăn trước kết quả bất thường, cô Liu quyết định kiểm tra lại hệ thống lọc nước. Sau khi tháo máy, cô phát hiện các đường ống phía sau đã bị lắp ngược.
Hậu quả, nước tinh khiết bị xả thẳng xuống cống, còn nước thải từ quá trình lọc lại được dẫn vào vòi nước uống hằng ngày. Điều này đồng nghĩa với việc trong suốt 5 năm qua, cô đã uống nước thải mà không hề hay biết.
Người thợ lắp đặt máy lọc nước đã đấu nhầm đường ống (Ảnh: Baidu).
Cô Liu cho biết, trong vòng 6 tháng gần đây, cô bị rối loạn kinh nguyệt và gần đây, bác sĩ chẩn đoán cô có dấu hiệu tổn thương gan nhẹ.
“Tôi rất lo lắng. Nước thải có thể chứa đủ loại hóa chất và vi khuẩn có hại, không biết sức khỏe của tôi sẽ bị ảnh hưởng đến đâu”, cô Liu nói.
Dù vậy, cô Liu cũng thừa nhận rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh nước thải là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe mà cô đang gặp phải. Tuy nhiên, điều này không làm giảm bớt sự bức xúc của cô đối với cách xử lý vụ việc từ phía công ty cung cấp máy lọc nước.
Theo tờ South China Morning Post ngày 25/3, sau khi vụ việc được công khai, nhân viên của Xiaomi – nhà sản xuất máy lọc nước – đã đến kiểm tra tại nhà cô Liu. Nhân viên này xác nhận lỗi lắp đặt đường ống là nguyên nhân gây ra sự cố nghiêm trọng này.
Liu cho biết cô đã uống “nước thải” suốt 5 năm qua do sai sót này (Ảnh minh họa: SCMP/Shutterstock).
Tuy nhiên, phía công ty chỉ giải quyết bằng cách lắp đặt lại đường ống cho đúng và thay lõi lọc mới cho cô Liu.
Không hài lòng với phản ứng này, cô Liu bức xúc: “Thiết bị này chưa từng hoạt động bình thường dù chỉ một ngày. Tôi đã phải uống nước thải suốt 5 năm. Các anh định bù đắp thế nào cho sức khỏe của tôi?”.
Ngoài ra, nhân viên lắp đặt máy lọc nước cách đây 5 năm hiện đã nghỉ việc, khiến quá trình xác định trách nhiệm cá nhân gặp khó khăn.
Sự cố của cô Liu không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2022, một gia đình ở tỉnh Chiết Giang cũng gặp tình huống tương tự khi đường ống máy lọc nước bị lắp sai.
Hậu quả là bé trai sơ sinh trong gia đình đã uống sữa pha bằng nước thải trong nhiều tháng mà không ai phát hiện. Thông tin chi tiết về vụ việc này không được truyền thông Trung Quốc tiết lộ, cũng không rõ gia đình nạn nhân có nhận được bồi thường hay không.
Những vụ việc như vậy làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội về trách nhiệm của các công ty trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Nhiều người tiêu dùng tại Trung Quốc bắt đầu tự kiểm tra lại hệ thống lọc nước của mình. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên định kỳ kiểm tra và bảo trì máy lọc nước, đặc biệt là kiểm tra đường ống lắp đặt để tránh rủi ro tương tự.
Ngày 28/12/2024, báo VnEXpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Bách Hoá Xanh nói ‘hoàn tiền cho khách mua giá đỗ nhiễm hoá chất'”. Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 28/12, Bách Hoá Xanh thông báo sẽ hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho các khách hàng cung cấp hóa đơn (giấy hoặc điện tử) ghi nhận mua giá đỗ Lâm Đạo. Nếu mất hóa đơn giấy, khách hàng có thể tìm thông tin hóa đơn điện tử lưu trên lịch sử tại app mua hàng của chuỗi.
Công an Đăk Lăk đã phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất tại 6 cơ sở ở thành phố Buôn Ma Thuột. Khoảng 2.900 tấn giá đỗ nhiễm hoá chất đã được tiêu thụ trong năm 2024, trong đó khoảng 350-400 kg đã cung cấp cho Bách Hóa Xanh mỗi ngày.
Chuỗi Bách Hoá Xanh cho biết đã thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ Lâm Đạo và ngừng hợp tác với nhà cung cấp trên. Hệ thống cũng rà soát và kiểm nghiệm toàn bộ giá đỗ đang được bày bán tại các cửa hàng. Sản phẩm của Lâm Đạo, theo chuỗi, chiếm 2% tổng lượng giá đỗ bán ra của họ.

Bách Hóa Xanh khẳng định toàn bộ sản phẩm nhập vào hệ thống đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý. Chất 6-Benzylaminopurine, Bách Hóa Xanh nói, là hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm theo Thông tư 09 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đơn vị này cũng đang chờ cơ quan chức năng hướng dẫn cách giải quyết.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết 6-Benzylaminopurine không nằm trong danh mục cấm nhưng chỉ được phép dùng cho thực vật nhằm tiêu diệt sinh vật gây hại. Việc sử dụng sai mục đích để ngâm tẩm thực phẩm là trái quy định và có thể bị xử phạt. Cục khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm có hóa chất này.