Đây là cảnh báo được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đưa ra ngày 30/12.
Ngày 31/12/2024, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Nghe điện thoại thấy dấu hiệu này, tuyệt đối đừng trả lời mà hãy tắt máy ngay!”. Nội dung cụ thể như sau:
Theo Cục An toàn thông tin, sáng 23/12, chị N.T.H, 45 tuổi, ở Q.Long Biên (Hà Nội) nhận được cuộc gọi video qua ứng dụng tin nhắn Facebook của con trai đang ở TP.HCM đề nghị chuyển hơn 100 triệu đồng để đóng phí đăng ký du học. Vốn là cán bộ ngân hàng đã được tập huấn, chị H đã không làm theo yêu cầu này.
Cục An toàn thông tin cho hay, các đối tượng thường tìm kiếm hình ảnh, video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân để tạo video giả mạo. Sau đó, sử dụng công nghệ AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo các cuộc gọi video giả mạo người thân, bạn bè. Trong cuộc gọi, đối tượng lấy lý do cấp bách như tai nạn, nợ nần và yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản do chúng cung cấp.
“Người dân khi nhận được cuộc gọi phải gọi lại cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin và không vội chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Cần cảnh giác, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm. Điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản của bạn. Cảnh giác với các tài khoản lạ hoặc dấu hiệu bất thường. Nếu tài khoản của người thân hoặc bạn bè có dấu hiệu mất an toàn, cần thông báo ngay cho họ và tránh tương tác.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Trước đó, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo hình thức cuộc gọi lừa đảo deepfake. Theo đó, bằng mắt thường có thể nhận biết dấu hiệu như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây. Đặc biệt, khuôn mặt trên màn hình thường thiếu tính cảm xúc và khá “trơ”, tư thế không tự nhiên, màu da bất thường, ánh sáng kỳ lạ, khiến video trông không tự nhiên… Âm thanh cũng không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn, hoặc clip không có âm thanh.
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh lừa đảo cuộc gọi video Deepfake
Đối với các cuộc gọi Deepfake như hiện nay, bằng mắt thường vẫn có thể có một số dấu hiệu để nhận biết như:
– Thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây.
– Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên hoặc là hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…
– Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên.
– Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.
– Ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu… Yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
Nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên, người dân hãy bình tĩnh và xác minh thông tin:
– Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không.
– Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch.
– Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.
– Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.
Trước đó, Tạp chí Phụ nữ mới đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Nghe điện thoại từ số lạ thấy câu nói này, tuyệt đối đừng trả lời mà hãy tắt máy ngay!”. Nội dung cụ thể như sau:
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến thời gian qua là mạo danh cơ quan công an, tòa án, cảnh sát giao thông, ngân hàng, để thực hiện các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, “Bất cứ cuộc gọi nào đến người dân xưng danh ‘Tôi là cơ quan này, cơ quan kia…’ đều là lừa đảo”.
Thứ trưởng cũng nói thêm, các cuộc gọi chỉ là bước đầu tiên mà các đối tượng lừa đảo sử dụng, nhưng khá quan trọng. Sau đó, để lừa được người dân, các đối tượng sẽ còn phải triển khai nhiều bước nữa đến khi lừa được tiền. Do đó, người dân cần lưu ý, nâng cao cảnh giác khi có những cuộc gọi đến tự xưng là các cơ quan yêu cầu công dân phải làm theo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, thời gian tới, các cuộc gọi đến từ cơ quan chức năng như tòa án, công an, viện kiểm sát sẽ được định danh để ngăn chặn tình trạng mạo danh các cơ quan này thực hiện cuộc gọi lừa đảo người dùng. Ví dụ, cuộc gọi của công an thành phố Hà Nội hay tòa án quận Hai Bà Trưng sẽ hiện tên cơ quan gọi đến.
Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước liên hệ với người dân đều có định danh, bất cứ cuộc gọi nào không có định danh mà xưng tên là cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… đều là cuộc gọi lừa đảo.
Thứ trưởng cho biết thêm, các nhà mạng đã sẵn sàng khâu kỹ thuật và thực hiện thí điểm. Thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan lý nhà nước để triển khai giải pháp trên.
Một giải pháp nữa để hạn chế cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là tất cả các doanh nghiệp thực hiện cuộc gọi quảng cáo phải có định danh cụ thể. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với các doanh nghiệp không thực hiện quy định này.