Lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương là điều mong mỏi của nhiều giáo viên. Hơn hết, nguyện vọng này được cho là vấn đề quan trọng tại diễn đàn Quốc hội.
Nhiều sự quan tâm về lương giáo viên
Có thể thấy, vấn đề tiền lương không chỉ có các giáo viên quan tâm mà còn là câu chuyện làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong suốt thời gian qua.
Tại phần trả lời chất vấn tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, vấn đề lương giáo viên lại một lần nữa được nhiều đại biểu quan tâm, trao đổi.
Trước câu hỏi về tiền lương của giáo viên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, đặc biệt quán triệt Nghị quyết 29 của T.Ư. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Là một trong số nhiều giáo viên trông chờ vào đợt cải cách tiền lương, cô Phạm Kim Nhung – giáo viên Trường Tiểu học Địch Quả (Phú Thọ) nhận thấy, đề xuất lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong thang bảng lương là điều vốn đã xuất hiện từ khá lâu. Song vì nhiều lí do nên chưa thể thực hiện được.
“Theo tôi được biết, lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất hệ thống thang bảng lương là điều đã có trong Nghị quyết T.Ư 2, khóa VIII của Đảng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì đề xuất này vẫn chưa thể hoàn thiện” – cô Nhung nói.
Đối với cô Phạm Phương Linh – giáo viên cấp THCS tại quận Long Biên (Hà Nội) cho rằng, những hi vọng và sự đòi hỏi về tiền lương của giáo viên chưa bao giờ bị quên lãng. Bản thân giáo viên này cũng đang trông chờ vào một tương lai gần khi tiền lương giáo viên có sự khởi sắc hơn.
“Trong các cuộc họp bàn về vấn đề tiền lương của nhà giáo luôn có những ý kiến nhắc về việc cần tăng lương cho giáo viên. Thực tế, lương giáo viên còn hạn chế, điều này là một trở ngại lớn trong quá trình công tác. Dù vậy, việc tăng lương cho giáo viên cũng chưa thể thực hiện được bởi xuất phát từ kinh phí, ngân sách nhà nước,… Tôi và các giáo viên khác cũng chỉ có thể chờ đợi và ước ao tiền lương giáo viên sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực” – cô Linh bộc bạch.
Tăng lương giúp giải quyết bài toán thiếu giáo viên
Hi vọng tiền lương tăng không chỉ có cô Nhung, cô Linh mà đó còn là nỗi niềm của cô Vũ Thị Hương – giáo viên Trường Mầm non Hợp Thịnh (Bắc Giang).
Cô Hương cho biết thêm, có nhiều đồng nghiệp chỉ sống với mức lương 3 – 4 triệu đồng/tháng nên cũng “chùn bước” với nghề. Do đó, thời gian tới, cô Hương rất mong chờ vào chính sách cải cách tiền lương.
“Tăng lương chính là động lực để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn mà không bị trăn trở về nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tôi mong Chính phủ sẽ có nhiều ưu đãi hơn nữa cho những người làm công tác giáo dục và quan tâm nhiều hơn đến việc phân bổ tiền lương theo vị trí, nhiệm vụ việc làm của đội ngũ giáo viên” – cô Hương bày tỏ.
Cô Hương cũng cho rằng, khi lương giáo viên ở bậc cao nhất thì mới phần nào giải được bài toán thiếu giáo viên.
“Khi thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm. Điều này có nghĩa mức thu nhập của giáo viên sẽ tăng, việc tuyển dụng biên chế giáo viên trở nên dễ dàng hơn” – cô Hương nhận định.