Không còn phụ cấp thâm niên, vì sao lương giáo viên từ ngày 1/7/2024 lại cao hơn bình thường? Các thầy cô được thêm đế độ gì?

Không còn phụ cấp thâm niên, tuy nhiên mức lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ và vẫn sẽ có tăng lương theo thời gian công tác và lộ trình cải cách tiền lương.

Từ 01/7 sẽ thực hiện cải cách tiền lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức là thông tin được quan tâm và chờ đợi.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 135/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tại Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Kế hoạch nhằm bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện từ ngày 01/7/2024.

Các công việc đang được các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chuyên môn thực hiện để đến ngày 01/7 tới sẽ thực hiện chế độ tiền lương mới.

GDVN_ảnh minh họa.JPG
Ảnh minh họa

Đối với lĩnh vực giáo dục, giáo viên đang rất quan tâm sẽ được xếp lương như thế nào từ 01/7 tới, sẽ chuyển từ lương hiện nay sang lương mới ra sao? Không còn phụ cấp thâm niên, lương nhà giáo có thâm niên công tác 30-40 năm có giảm hay không? Xếp lương theo vị trí việc làm, giáo viên lớn tuổi và trẻ tuổi có hưởng chung một mức lương hay không?…

Theo những tìm hiểu, nghiên cứu của người viết, giáo viên không nên quá băn khoăn, khi được chuyển sang lương mới cơ bản dù không còn phụ cấp thâm niên nhưng thực nhận lương mới sẽ được đảm bảo không thấp hơn lương cũ.

Nguyên tắc xây dựng bảng lương chức vụ từ 01/7/2024

Từ 01/7 tới sẽ áp dụng 5 bảng lương trong đó có 3 bảng lương dành cho lực lượng vũ trang, quân đội, quốc phòng.

2 bảng lương còn lại gồm 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và 01 bảng lương chức vụ.

Đối với bảng lương chức vụ, 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã (gọi chung là bảng lương chức vụ) theo nguyên tắc:

+ Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

+ Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Có thể hiểu bảng lương chức vụ thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, thể hiện thứ, bậc trong quản lý, điều hành, chấm dứt tình trạng lương lãnh đạo cấp dưới cao hơn cấp trên.

Theo tìm hiểu của người viết, bảng lương chức vụ là sự thay đổi lớn, toàn diện nhất trong cải cách tiền lương mới từ 01/7, người được bổ nhiệm chức vụ nào sẽ được hưởng lương ở chức vụ đó.

Một số ví dụ về các nguyên tắc khi xây dựng bảng lương chức vụ không còn hệ số lương, phụ cấp đặc thù (số tiền được giả sử để bạn đọc dễ hình dung) như:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ được hưởng lương cao hơn cấp dưới, giả sử Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện 17 triệu đồng mỗi tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã 11 triệu đồng mỗi tháng.

Nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đang hưởng lương 11 triệu đồng mỗi tháng được điều động, bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì sẽ được chuyển lương mới và được hưởng 17 triệu đồng mỗi tháng.

Bảng lương chức vụ phải theo nguyên tắc: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đómức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Hiện nay, lương cán bộ, công chức, viên chức đều được tính toán theo hệ số lương x mức lương cơ sở, cộng với các khoản phụ cấp (nếu có) nên nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có hệ số lương 4,98, cộng với phụ cấp công vụ,…thực nhận có thể sẽ cao hơn nhiều so với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hệ số lương 3,65 (mức lương chức vụ của người cấp dưới cao hơn lãnh đạo cấp trên).

Bảng lương chức vụ theo Nghị quyết 27 áp dụng từ 01/7 tới sẽ giải quyết được những bất cập này, trả lương theo vị trí việc làm, theo nguyên tắc giữ chức vụ vị trí nào thì được trả lương tương xứng ở vị trí đó.

Theo chiều ngược lại, giả sử đang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, tuy nhiên do sai phạm bị kỷ luật giáng chức thì khi ở vị trí nào sẽ được hưởng lương ở vị trí đó, chấm dứt tình trạng lương cấp dưới cao hơn cấp trên.

Về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở được thực hiện theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, có 03 nhóm chức danh, chức vụ lãnh đạo: (1) Chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (2) Chức danh, chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; (3) Khung chức chức danh, chức vụ thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý.

Nguyên tắc sắp xếp bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, nhà giáo cần biết

Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương (gọi chung là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ) theo nguyên tắc:

Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Đối với giáo viên là viên chức sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ sẽ vẫn giữ nhiều bậc lương khác nhau, sẽ được chuyển từ lương hiện nay được nhận theo hệ số lương x mức lương cơ sở sang lương mới theo lượng tiền khởi động ban đầu.

Tuy không còn phụ cấp thâm niên nhưng mức lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ và giáo viên được hưởng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ nên vẫn sẽ có tăng lương theo thời gian công tác và tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ.

Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Next Post

Bôm – con trai diễn viên Quốc Tuấn muốn lấy vợ, bố nói còn 4 cuộc phẫu thuật nữa mới đẹp trai

T3 Th3 12 , 2024
Hơn 6 năm sau chương trình Điều ước thứ 7, bé Bôm – con trai diễn viên Quốc Tuấn giờ đã trở thành chàng trai 21 tuổi. Mới đây khi chia sẻ về cuộc sống hiện tại của con, Quốc Tuấn cho biết con trai năm nay chuẩn bị tốt nghiệp […]

Bài Liên Quan