Hoang mang khi phát hiện nuôi c::on bằng sữa g::iả

Khi danh sách 573 loại sữa giả bị phanh phui, chị Hoàng Thu Liên, 33 tuổi, chết lặng vì thấy có loại sữa con đang uống mỗi ngày.

Báo VnExpress ngày 16/4 có bài Hoang mang khi phát hiện nuôi con bằng sữa giả. Nội dung như sau:

“Cả đêm tôi mất ngủ, nhìn con mà xót xa, tự trách mình”, chị Liên, ở Tứ Kỳ, Hải Dương chia sẻ.

Con trai chị Liên dùng sữa ngoài từ khi 18 tháng, đến nay đã gần hai năm, mỗi ngày hai cữ. Sau nhiều lần đổi các hãng khác nhau, cậu bé chịu uống loại PC100, loại được quảng cáo dành cho trẻ 1-6 tuổi biếng ăn, chậm lớn, thấp còi cần bổ sung dinh dưỡng, với nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand.

Trung bình một ngày con chị dùng ba cữ sữa, đến nay đã uống khoảng 30 hộp, mỗi hộp giá 460.000 đồng.

Chị Liên nói giận nhất khi nhớ lại nhiều ngày con ốm không ăn uống được gì, chỉ nuốt được vài thìa sữa, cuối cùng lại là sữa giả. Hiện tại cân nặng, chiều cao con không chênh lệch nhiều với lứa tuổi, chị vẫn hối hận “giá như được uống sữa thật có lẽ đã phát triển tốt hơn.

Loại sữa chị Liên sử dụng cho con một năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Văn Chấn, Yên Bái, vợ chồng anh Thái Nguyễn, 36 tuổi cũng bàng hoàng khi biết con mình uống phải sữa giả hơn một năm qua. Hai con anh học lớp 5 và 7, thấp còi hơn so với các bạn nên được bố mẹ bổ sung thêm sữa công thức với hy vọng tuổi dậy thì có thể phát triển tốt nhất.

Chị Hà (vợ anh) chọn sản phẩm Morkid, sau khi được quảng cáo nguyên liệu sữa non nhập khẩu 100%, chiết xuất tổ yến, giúp trẻ từ 1-15 tuổi tăng cân, tăng đề kháng, phát triển toàn diện.

Hộp sữa 900 gram chị Hà mua với giá 490.000 đồng có cùng một nguồn gốc với sản phẩm chị Liên đã mua, thuộc công ty Rance Pharma. Theo đánh giá của người mua, các loại sữa này không rẻ, có bao bì bắt mắt, kèm những lời quảng cáo như chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo… phù hợp cho trẻ nhỏ, người tiểu đường, phụ nữ mang thai.

Chúng nằm trong đường dây làm giả với quy mô phủ sóng cả nước, đã tồn tại suốt bốn năm. Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can, trong đó có Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà, giám đốc và cổ đông sáng lập Công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Các sản phẩm của hai công ty này quảng cáo dành cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng đều dùng chung công thức, nguyên liệu.

Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều không được kiểm tra. Doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.

Đáng nói, trong suốt thời gian hoạt động, các doanh nghiệp này vẫn vận hành với hồ sơ giấy tờ đầy đủ, đạt chứng nhận FDA của Mỹ, xướng tên các giải thưởng uy tín hàng năm. Họ thuê người nổi tiếng và bác sĩ xuất hiện trong hàng loạt video trên mạng, góp phần tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, đặc biệt với trẻ nhỏ. Sữa giả không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất gây nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.

Sữa giả dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát gây nhiều rủi ro cho người dùng như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam, bổ sung thêm: “Người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì sữa giả nên không bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác”.

Một loại sữa bột giả có giá bán 500.000 đồng hộp 900 gram của công ty Rance Pharma vừa bị phát hiện hàng giả. Ảnh: Hà Nguyễn

Chuyên gia dinh dưỡng Phan Thái Tân, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM và Học viện Dinh dưỡng tích hợp IIN (Mỹ) cho biết, những loại sữa giả, sữa kém chất lượng này không chen được vào siêu thị lớn, chúng tấn công các thị trấn, vùng nông thôn, phòng khám, hội chợ, bệnh viện.

Ba ngày qua, ông Tân nhận hàng trăm tin nhắn bày tỏ sự lo lắng vì dùng phải sữa giả. Có người mẹ ở Cần Thơ nói con họ sinh non, thiếu tháng uống phải sữa giả. Có những người con cho biết mua phải sữa giả cho bố mẹ ốm bệnh theo đơn kê từ bác sĩ. Nhiều người già khác bất chấp con cái khuyên nhủ vẫn tin dùng các sản phẩm sữa bị thổi phồng qua quảng cáo, hội thảo, hay từ người quen.

“Tất cả đều có chung một câu hỏi: Đã uống suốt phải sữa giả một thời gian dài, giờ phải làm sao?'”, ông Tân nói.

Theo chuyên gia dinh dưỡng này, sữa giả không cung cấp đủ năng lượng, vitamin, khoáng chất như công bố và còn có thể chứa phụ gia không kiểm soát, gây tiêu chảy, dị ứng và rối loạn tiêu hóa. Dùng lâu dài, người bệnh và trẻ nhỏ có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí não.

Rất khó để xác định sữa thật hay giả bằng mắt thường. Để tự bảo vệ mình, chuyên gia Phan Thái Tân khuyên nên chọn các thương hiệu sữa nổi tiếng, lâu năm trên thị trường; nên mua tại siêu thị, cửa hàng lớn; tránh mua tại tạp hóa, các hội thảo hay truyền miệng. Nếu giá thấp hơn kèm nhiều khuyến mãi nên đặt câu hỏi.

Ngay sau khi biết con uống phải sữa giả, chị Thu Liên giữ lại toàn bộ vỏ hộp làm bằng chứng, hy vọng được bồi thường hay ít nhất được ai đó đứng ra xin lỗi. “Điều tôi thực sự muốn biết là suốt một năm qua, con tôi đã nạp vào người những gì?”, chị nói.

“Tôi từng lục tung các trang mạng, đọc từng dòng đánh giá, so sánh bảng thành phần từng loại sữa”, chị nói. “Cuối cùng chọn phải sữa giả, thành phần chưa đến 70% tiêu chuẩn đăng ký”.

Chiều 15/4, vợ chồng anh Thái đang sửa soạn đưa hai con xuống Hà Nội khám, dù chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra kỳ thi cuối cấp. “Sức khỏe con là trên hết nên phải kiểm tra”, anh Thái nói.

Người đàn ông phân trần gia đình không bị hấp dẫn bởi khuyến mãi hay quà tặng, bởi giá sản phẩm tới nửa triệu đồng. Sau khi phát hiện sữa giả, họ đã nói chuyện với người bán hàng nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

“Chúng tôi chỉ mong những sản phẩm như vậy bị loại bỏ khỏi thị trường vĩnh viễn để không đứa trẻ nào uống phải nữa”, anh Thái nói.

Báo Người Lao Động ngày 15/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Vụ sữa giả: Bộ Y tế nói gì?” cùng nội dung như sau: 

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 lãnh đạo tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, do liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ tới 573 loại sữa bột giả.

Liên quan đến công tác quản lý chất lượng và cấp phép, đặc biệt với nhóm thực phẩm tự công bố, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu các địa phương rà soát và báo cáo toàn bộ hồ sơ cấp phép liên quan.

Ngày 15-4, thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Bộ Y tế luôn nhất quán trong việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc xử lý thực phẩm giả và thực phẩm có chứa chất cấm.

Việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được thực hiện theo Luật an toàn thực phẩm với sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND các cấp cùng tham gia giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm.

Theo quy định, hầu hết các thực phẩm được phép tự công bố, chỉ một số nhóm như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm ăn kiêng… phải đăng ký bản công bố trước khi lưu thông. Các sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bao gồm thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, và một số nhóm thực phẩm khác.

“Doanh nghiệp khi công bố sản phẩm phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đây là chính sách giúp giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng trách nhiệm của doanh nghiệp”- đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng nêu trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ công bố, cấp giấy xác nhận quảng cáo, tổ chức hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, phải xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định công tác hậu kiểm thực phẩm sau công bố đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm tại các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm, xử lý nghiêm vi phạm.

Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phối hợp Bộ Công an kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt trong các vụ thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm. Các vi phạm quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng cũng được xử lý nghiêm.

Từ năm 2025 đến nay, cơ quan này đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường hậu kiểm. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Công an đề xuất tăng chế tài xử phạt, sửa đổi luật để xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm.

Trong vụ sữa giả quy mô lớn đang điều tra, Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý đến cùng theo đúng pháp luật.

Next Post

Tổng Bí thư: ‘Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới’

T4 Th4 16 , 2025
Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và linh hoạt giải quyết các thách thức kinh tế. Chiều 15/4, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ […]

Bài Liên Quan