Nam giảng viên gây tai nạn liên hoàn khiến 4 người bị thương “có nồng độ cồn trong hơi thở” khi cảnh sát test nhanh, song kết quả xét nghiệm máu lại trái ngược.
Ngày 5/12, Công an TP Thủ Đức cho biết, kết quả xét nghiệm tại cơ sở y tế đối với nam giảng viên 49 tuổi là “không có nồng độ cồn trong máu”. Còn nồng độ cồn qua khí thở đo ngay sau tai nạn tối 28/11 là do ông này đã thử men vi sinh phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu của tài xế để xử lý vụ việc.
Trước đó, nam tài xế lái xe 7 chỗ trên đường song hành cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, khi qua đường Đỗ Xuân Hợp khoảng 300 m thì gây tai nạn liên hoàn với ôtô 16 chỗ và 3 xe máy khiến 4 người đi xe máy bị thương. Trong đó, 3 nạn nhân bị đa chấn thương được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh, người còn lại chỉ bị trầy xước nhẹ.
Cảnh sát sau đó đưa tài xế về trụ sở, kiểm tra nhanh nồng độ cồn trong khí thở, kết quả cho thấy có vi phạm ở mức hai – vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tài xế cho biết đang là giảng viên một trường đại học tại TP Thủ Đức. Ông khẳng định không uống rượu bia, hoàn toàn tỉnh táo khi lái xe, nhưng trước đó có thử men vi sinh phục vụ việc nghiên cứu nên khả năng có nồng độ cồn trong hơi thở.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn luật sư TP HCM, cho biết, Thông tư liên tịch số 26/2014 quy định, sau tai nạn, tài xế sẽ được đo nồng độ cồn trong khí thở và chuyển ngay đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu lúc đó là căn cứ để xác định tài xế có vi phạm hay không. Trong trường hợp việc lấy máu diễn ra chậm trễ, cơ thể tài xế đã đào thải nồng độ cồn hoặc có căn cứ khác xác định người lái xe đã sử dụng rượu bia thì cơ quan công an sẽ xem xét tất cả các tình tiết để đưa ra kết luận cuối cùng.