Cơ chế giá điện hai thành phần sẽ được triển khai thực hiện thí điểm cho nhóm đối tượng sản xuất trong năm 2024 và mở rộng thí điểm vào năm 2025 khi có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như điều kiện để thực hiện.
Việc áp dụng công tơ điện tử sẽ giúp triển khai giá điện hai thành phần hiệu quả hơn – Ảnh: T.HIỆP
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất Bộ Công Thương về cơ chế và lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần.
Theo đó, giá điện hai thành phần sẽ bao gồm giá công suất và giá điện năng, tức là số tiền phải trả cho phần công suất đăng ký sử dụng và lượng điện năng tiêu thụ thực tế, thay vì chỉ tính theo lượng điện tiêu thụ thực tế như hiện nay.
Thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà
Đề án đã phân loại ba nhóm khách hàng gồm khách hàng ngoài sinh hoạt, khách hàng sinh hoạt có sản lượng trên 2.000 kWh/tháng và dưới 2.000 kWh/tháng.
Ngoài ra, các cấp điện áp được áp giá gồm có siêu cao áp, cao cáp, trung áp và hạ áp cũng được phân loại.
Cụ thể, với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt sẽ chung một biểu giá điện hai thành phần theo dạng giá công suất (đồng/kW) và giá điện năng cao thấp điểm (đồng/kWh). Đây chính là ba nhóm gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.
Khách hàng sinh hoạt có quy mô và sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000kWh/tháng sẽ giống như khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp. Thống kê cho thấy nhóm này lên tới 56.000 khách hàng, nên việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần là chưa thể thực hiện ở giai đoạn trước mắt.
Vì vậy có thể xem xét phương án giá hai thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000kWh/tháng, tức là thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.
Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng thấp (<2.000kWh/tháng), biểu giá sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/kWh).
Đây là nhóm có lượng khách hàng đông. Trong khi đó, nhóm khách hàng tiêu dùng dưới 50kWh/tháng vẫn đang được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.
Việc phân loại các đối tượng trên được xem là mang tính tham chiếu cho hệ thống biểu giá bán lẻ điện hai thành phần cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Do đó việc triển khai áp dụng cần có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn. Đi kèm với quá trình này là sự chuẩn bị đầy đủ các vấn đề về hạ tầng đo đếm, đặc biệt các vấn đề về hành lang pháp lý và truyền thông.
Theo đề xuất của EVN, trước mắt sẽ áp dụng thử nghiệm cho các hộ điển hình và hiệu quả thuộc nhóm các khách hàng sử dụng điện lớn (được quy định tại nghị định 80/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp). Trong giai đoạn này, ngành điện và khách hàng vẫn sử dụng hệ thống giá hiện hành để tính hóa đơn tiền điện.
Kết quả biểu giá hai thành phần sẽ phục vụ cho kiểm soát nội bộ khi thử nghiệm để làm căn cứ tổng kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp trước khi đưa vào triển khai chính thức.
Công bằng và phù hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Trần Văn Bình, chuyên gia điện của ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc xây dựng và sớm áp dụng biểu giá điện hai thành phần là cần thiết để đảm bảo người sử dụng điện phải chi trả đúng các chi phí của hệ thống, tránh tình trạng cào bằng.
Về nguyên tắc, giá điện hai thành phần sẽ gồm giá công suất (công suất cố định được khách hàng đăng ký sử dụng) và giá điện năng (lượng điện sử dụng thực tế được tính đồng giá), nên khi dùng nhiều, giá điện sẽ càng giảm. Việc tính toán giá điện trên cơ sở chi phí biên dài hạn – tức là chi phí sản xuất điện năng – cũng là phù hợp.
“Điều này nhằm phản ánh chính xác lượng điện sử dụng vào từng thời điểm sử dụng. Ví dụ, người dùng ở khung giờ thấp điểm với chi phí thấp chỉ phải trả chi phí thấp. Nhưng nếu dùng ở khung giờ cao điểm, chi phí mà hệ thống tạo ra điện ở mức cao, sẽ phải chấp nhận chi trả ở mức cao”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế – VCCI, cho rằng việc áp dụng giá điện hai thành phần giống như cách tính tiền chi phí điện thoại cố định. Theo đó, người dùng sẽ phải chấp nhận chi trả cho một khoản “phí thuê bao hằng tháng” mà nếu không sử dụng điện cũng mất tiền, được xem như chi phí thanh toán cho các chi phí đầu tư cố định của ngành điện.
Khoản còn lại tính theo lượng điện năng sử dụng thực tế, giống như “gọi điện” mới mất tiền theo phút gọi thực tế. “Do đó cách tính hai thành phần này phản ánh chính xác hơn chi phí mà ngành điện phải bỏ ra để cấp điện cho mỗi khách hàng, gồm chi phí đường dây và chi phí điện năng. Cách tính tiền này cũng vì thế mà công bằng hơn giữa các khách hàng với nhau”, ông Đức khẳng định.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng cần có lộ trình thực hiện và được tính toán kỹ trên cơ sở lấy ý kiến các bên chịu tác động, các chuyên gia và nhà khoa học.
Theo ông Bình, giá điện hai thành phần là cơ chế giá điện mới và Việt Nam chưa có tiền lệ áp dụng. Vì vậy, trước khi áp dụng dù là thí điểm, cũng cần lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và đối tượng sử dụng.
Tương tự, ông Đức cũng cho rằng trước mắt có thể áp dụng thí điểm cho một số khu vực và đối tượng khách hàng, như tập trung cho các khách hàng mới, để làm căn cứ đánh giá và triển khai mở rộng.
Hộ dùng điện sinh hoạt hưởng lợi
Với hộ tiêu dùng sinh hoạt có sản lượng dưới 2.000 kWh/tháng, biểu giá hai thành phần được xây dựng riêng biệt với phần giá cố định ở từng gói sản lượng. Khi đó càng tiêu dùng nhiều trong cùng một bậc thang thì giá điện bình quân phải trả sẽ càng rẻ.
Chẳng hạn với bậc tới 50kWh/tháng, nếu áp dụng biểu giá hiện hành sẽ phải trả là 90.300 đồng/tháng. Nhưng nếu áp dụng giá bán hai thành phần, bậc này chỉ phải trả là 84.900 đồng/tháng, giảm hơn 5.400 đồng.
Thậm chí ở các gói tiêu dùng lớn 400kWh/tháng, chưa cần tiêu dùng tới sản lượng cực đại, hóa đơn giá điện hai thành phần đã thấp hơn hóa đơn hiện hành. Như gói 401 – 700kWh/tháng, tiêu dùng ở mức 600kWh/tháng, hóa đơn tiền điện mới sẽ giảm 134.600 đồng so với cách tính cũ.
Tuy vậy nếu sản lượng nhảy bậc, sang bậc thang mới, người tiêu dùng sẽ phải trả mức phí cố định mới ở bậc thang mới, khi đó những đơn vị tiêu dùng đầu tiên sẽ chịu phần phí cố định lớn và giá điện bình quân cao hơn.
Chỉ khi sản lượng tiêu dùng ở bậc đó tiếp tục gia tăng, giá điện bình quân mới rẻ đi. Vì vậy, để tránh nhảy bậc, người tiêu dùng cần phải luôn quan tâm đến sản lượng tiêu dùng trong tháng thông qua các công cụ theo dõi sản lượng điện tiêu dùng hằng ngày.
Giá điện không còn cào bằng
Với giá điện hai thành phần, theo EVN, hóa đơn tiền điện mà người tiêu dùng phải thanh toán sẽ bao gồm chi phí trả cho công suất sử dụng (bản chất là chi phí cố định của quá trình cung ứng điện) và phần trả cho điện năng tiêu dùng (tức là phần chi phí biến đổi).
Cơ chế này buộc người sử dụng điện phải chú ý đến quá trình sử dụng điện, nâng cao hiệu quả sử dụng và thực hành tiết kiệm điện hiệu quả hơn.
Việc áp dụng phương án giá điện hai thành phần, theo đánh giá tại đề án, với các hộ ngoài sinh hoạt, mức chi phí sử dụng điện của các hộ sẽ khác nhau. Cụ thể, hai hộ sử dụng điện cho ngoài sinh hoạt có cùng mức sản lượng 275.000kWh/năm nhưng chế độ sử dụng điện khác nhau. Nếu áp dụng biểu giá hiện hành, hai hộ này cùng trả một mức hóa đơn. Tuy nhiên nếu áp theo biểu giá hai thành phần, khi hộ có hệ số phụ tải lớn sẽ trả chi phí tiền điện ít hơn (do giảm được chi phí công suất).
Với hộ sinh hoạt, so sánh giữa hai hộ tiêu dùng có công suất sử dụng tháng khoảng 12kW (tương đương công suất đặt của các thiết bị là 23 – 24kW) và hộ tiêu dùng có công suất lớn hơn 15kW, hộ đầu tiên sẽ phải trả là 2.821 đồng/kWh còn hộ thứ hai là 3.046 đồng/kWh.
Trong khi nếu áp dụng biểu giá sáu bậc hiện hành, hai hộ trả cùng một mức giá điện bình quân là 3.046 đồng/kWh.
(Theo Tuổi Trẻ)