Bỏ đấu giá sau khi trả 30 tỷ đồng một m2 đất ngoại thành Hà Nội

Phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn “có dấu hiệu bị phá” sau khi khách trả giá lên đến 30 tỷ đồng một m2, rồi lại xin dừng tham gia, theo một lãnh đạo huyện.

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô.

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, tại vòng thứ 6, sự cố xảy ra khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu “phá” phiên đấu giá này, theo một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn. Cụ thể, nhiều khách hàng tại các vòng trước đó đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng một m2, trong đó thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng một m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng, rồi xin dừng tham gia đấu giá.

Khách hàng trả giá thửa đất số C6 lên đến hơn 30 tỷ đồng một m2. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo huyện cho biết tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công. Huyện Sóc Sơn sẽ báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng, cũng như đề nghị cơ quan công an điều tra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức bán lại 30 thửa đất có dấu hiệu bị “phá” hôm 29/11.

Cuối năm ngoái, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp trả nhầm lên đến mức 4,28 tỷ đồng cho một m2 đất đấu giá tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Mức giá này gấp 142 khởi điểm. Tuy nhiên, ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức và chính quyền về việc ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng. Ông cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.

Giai đoạn tháng 8,9 năm nay, một số phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội thu hút hàng trăm khách hàng tham dự với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký. Mức giá trúng cao nhất cũng liên tiếp thiết lập kỷ lục như ở Hoài Đức hơn 133 triệu đồng một m2, Thanh Oai hơn 100 triệu đồng một m2. Trong đó, phiên đấu giá tại Thanh Oai ghi nhận khoảng 80% khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền.

Bên trong hội trường buổi đấu giá hôm 29/11 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phong

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường. “Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản”, Thủ tướng cho biết.

Sau đó, các Bộ, ngành, TP Hà Nội cũng liên tiếp có thêm các chỉ đạo, đề xuất để ngăn chặn tình trạng này. Một số huyện tại Hà Nội cũng chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý.

Hà Nội cũng đã có yêu cầu hạn chế đấu giá đất cho cá nhân tự xây nhà, ưu tiên giao tổ chức làm dự án để tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, thành phố đề nghị UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó, Hà Nội giao công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất.

Từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều huyện ngoại thành sau quá trình rà soát đã bắt đầu tổ chức lại các phiên đấu giá. Hoạt động này cũng giảm nhiệt đáng kể như ở Hoài Đức, các phiên đấu giá gần đây lượng người tham gia giảm 3-4 lần so với hai tháng trước.

Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Có thể xử lý hình sự?

Công an huyện Sóc Sơn đang vào cuộc xác minh nhóm người trả giá 3 lô đất đấu giá lên 30 tỉ đồng/m2, sau đó xin rút lui.

UBND huyện Sóc Sơn đã giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng có hành vi “phá” đấu giá khi trả 3 lô đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lên hơn 30 tỉ đồng/m2, sau đó xin rút vì “sợ quá” ngày 29.11.

Người tham gia đấu giá trả lên 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì “sợ quá“. Ảnh: Như Hạ

Trao đổi với Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp – cho biết, trong hoạt động đấu giá tài sản, pháp luật nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi được quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016, trong đó có hành vi cản trở hoạt động đấu giá tài sản.

Nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại thì đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Người thực hiện hành vi cản trở đấu giá quyền sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người cản trở hoạt động đấu giá tài sản được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:

Hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá.

b) Cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá.

Trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường như vậy rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 bộ luật hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội danh này có thể từ 2 năm đến 7 năm tù.

Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Bởi vậy, trong vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên việc trả giá đến hơn 30 tỉ đồng/m2 đối với đất ở ở huyện Sóc Sơn là bất thường và thể hiện ý thức coi thường hoạt động đấu giá. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ danh tính của những người đã trả giá cao rồi bỏ cọc đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét mức độ xử lý theo quy định của pháp luật.​

Ngày 29.11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến).

Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm đã được phê duyệt, tương đương từ 223 triệu đồng đến gần 550 triệu đồng.

(Theo Lao Động)

Next Post

‘Mắt chữ O, miệng chữ A’ với kế hoạch tiêu Tết 2025 của một gia đình 4 người

CN Th12 1 , 2024
Sắp đến Tết nên những câu chuyện chuẩn bị tiền tiêu Tết lại bắt dầu trở thành chủ đề thu hút được sự quan tâm của không ít người. Mới đây, trong 1 cộng đồng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, bảng kế hoạch […]

Bài Liên Quan