Chủ trương bỏ cấp huyện đang nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là về công tác cán bộ. Nhiều ý kiến đồng tình rằng, việc này đòi hỏi nâng cao trình độ, năng lực cán bộ cấp xã, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Báo Vietnamnet ngày 22/03 đưa thông tin với tiêu đề: “Bỏ cấp huyện: Cán bộ cấp xã phải có trình độ, được đãi ngộ xứng đáng” cùng nội dung như sau:
Bài viết “Giải bài toán nhân sự khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp xã” cùng các bài viết về chủ trương này đăng trên VietNamNet đã thu hút sự quan tâm góp ý của nhiều độc giả trên cả nước.
Nhiều độc giả gửi ý kiến cho rằng, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp xã ở nhiều địa phương còn hạn chế, thiếu bằng cấp, kỹ năng tin học, ngoại ngữ… Tác phong làm việc, thái độ ứng xử và năng lực giải quyết thủ tục hành chính cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Độc giả Lê Hồng Minh nhìn nhận: “Bỏ cấp huyện là phù hợp. Sau khi bỏ cấp huyện, nên điều động cán bộ có trình độ về xã, phường. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở”.

Tương tự, anh Tuấn Anh cho rằng, khi bỏ cấp huyện thì nhiều chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ về xã.
“Thiết nghĩ, vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất nên các nhà hoạch định chính sách cần hết sức lưu ý khi đưa ra giải pháp tổ chức, sắp xếp con người sau khi bỏ cấp huyện”, anh Tuấn Anh cho hay.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Ngọc Hứa lại có cái nhìn khác. Với kinh nghiệm làm lãnh đạo cấp xã, anh tin tưởng vào năng lực của cán bộ cấp xã, nếu được phân quyền hợp lý. “Cán bộ cấp xã không những làm được mà còn “làm trúng” vì “trong phạm vi xã thì cái gì mà cán bộ xã không biết!”, anh Hứa nêu quan điểm.
Anh Hoàng Thế, người từng giữ chức vụ trưởng phòng chuyên môn cấp huyện 17 năm ủng hộ chủ trương bỏ cấp huyện. Anh thẳng thắn nhìn nhận, cấp huyện chỉ đóng vai trò trung chuyển, gây trì trệ công việc. Anh đề xuất sáp nhập nhiều xã thành một, giảm thiểu chi phí cho bộ máy hành chính.
“Việc trình qua nhiều cấp lòng vòng, trì trệ, mất thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện công việc. Cho nên, tôi đồng tình với chủ trương xóa bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp tỉnh càng sớm càng tốt; đồng thời sáp nhập nhiều xã thành 1 xã. Mỗi xã, phường nên có ít nhất 15 – 20 nghìn dân trở lên, diện tích từ hàng trăm km2 trở lên để giảm chi phí ngân sách chi trả tiền lương cho bộ máy”, anh Hoàng Thế nói.
Để nâng cao trình độ cán bộ cấp xã, anh Phạm Tiến Thành đưa ra ý kiến: “Cần nâng cao tiêu chuẩn thi tuyển công chức cấp xã, yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức. Nên tổ chức thi tuyển chéo vùng miền để đảm bảo tính khách quan”.
Một nỗi lo được nhiều người đặt ra trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, đó là làm sao để giữ chân được người có năng lực thực sự.
“Chế độ đãi ngộ chỉ là một yếu tố, nhưng nếu môi trường làm việc không tốt thì nhiều người giỏi sẽ nghỉ để chuyển sang lĩnh vực tư”, một độc giả cảnh báo.
Trong đợt sắp xếp này, nếu khối lượng công việc nhiều gấp đôi, gấp ba nhưng chế độ lương bổng không đảm bảo cuộc sống thì nhiều người sẽ xin nghỉ.
Về chế độ đãi ngộ, anh Nguyễn Đức Vinh đề xuất cần có sự tương xứng giữa khối lượng công việc và mức lương, đồng thời áp dụng cơ chế đánh giá năng lực minh bạch. Anh kỳ vọng về một hệ thống hành chính hiệu quả, không còn phân biệt cấp bậc”.
Tiếp đến, báo Tuổi trẻ ngày 29/03 cũng có bài đăng với thông tin: “Bỏ cấp huyện, sáp nhập xã: Cần tinh gọn cán bộ xã, phường”. Nội dung được báo đưa như sau:
Tại dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất chính quyền cấp cơ sở sẽ gồm xã, phường, đặc khu ở hải đảo. Hiện nay cả nước có 10.035 đơn vị cấp xã và dự kiến giảm khoảng 60 – 70% (còn khoảng 3.000 đơn vị cấp xã), đồng thời sẽ giảm 696 đơn vị cấp huyện.
Tăng cường cán bộ huyện cho xã
Theo quy định hiện nay (nghị định 33/2023) số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người. Đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ – cho hay với việc định hướng sau khi bỏ cấp huyện sẽ giảm 60 – 70%, từ hơn 10.000 xuống còn khoảng 3.000 đơn vị cấp xã thì dự kiến từ 3-5 đơn vị cấp xã như hiện nay sẽ sáp nhập thành 1 đơn vị xã mới hay 1 đơn vị cấp huyện cũ thành 1-4 đơn vị cấp xã. Như vậy, các cấp xã mới sẽ thành các “huyện thu nhỏ”.
Theo ông Dĩnh, với cấp xã hiện nay tối đa có khoảng 25 cán bộ, công chức nhưng khi sáp nhập thì số lượng cán bộ, công chức phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba với các đơn vị cấp xã có quy mô dân số, diện tích lớn hơn tiêu chuẩn để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân.
Như ở TP.HCM, theo thông tin đề xuất có các phường, xã sau sáp nhập dân số lên tới 200.000 – 300.000 dân, thậm chí có siêu “xã” được sáp nhập từ 11 xã, thị trấn hiện hữu với số dân lên tới hơn 575.000 người. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức ở các UBND cấp xã này phải đảm bảo phù hợp để phục vụ người dân.
Ông Dĩnh cho rằng với mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ khác hẳn hiện nay và tới đây không còn các chức danh công chức cấp xã và không còn phân biệt cán bộ, công chức cấp xã. Thêm vào đó, các đơn vị cấp xã cũng được sáp nhập lớn hơn như “huyện nhỏ”, do vậy nghị định 33/2023 sẽ lạc hậu, không còn phù hợp.
Ông Dĩnh nhấn mạnh để đảm bảo nguồn nhân lực cho chính quyền cấp cơ sở, ngoài cán bộ công chức cấp xã hiện có, cần điều chuyển cán bộ công chức tỉnh và huyện xuống làm việc.
Đặc biệt sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực, không còn phân biệt giữa cán bộ công chức cấp xã với các cấp còn lại thì việc điều chuyển này hoàn toàn dễ dàng.
TS Trần Anh Tuấn – chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ – cho hay thời gian qua thực hiện Luật Cán bộ, công chức 2008 cho tới nay đội ngũ cán bộ công chức cấp xã từng bước được chuẩn hóa về trình độ, năng lực.
Tuy nhiên so với cán bộ, công chức ở các cơ quan cấp trên thì cấp xã vẫn còn bộ phận thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về kỹ năng giao tiếp và thực thi công vụ.
Vì vậy, khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cần đánh giá, phân loại lại đội ngũ cán bộ công chức của toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp cơ sở. Những ai làm việc được thì phải giữ lại và bố trí vào các vị trí việc làm của bộ máy mới. Những ai không phù hợp với mô hình của bộ máy mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới thì giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Cần rà soát lại đội ngũ để xem những cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập không đảm bảo chất lượng, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì đưa vào diện tinh giản với các chế độ chính sách theo quy định.
TS Lê Xuân Hậu (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho hay theo thống kê, bình quân một cán bộ công chức cấp xã trên cả nước phục vụ khoảng 485 dân. nhưng tại nhiều nơi con số này lên đến 1.554 người dân (gấp ba lần bình quân cả nước).