Bất ngờ với số lãi Vietnam Airlines vừa báo cáo, kỷ lục trước nay!!

Được xóa nợ do Pacific Airlines trả hết tàu bay, Vietnam Airlines lãi kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng trong quý 1/2024. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng.

Vietnam Airlines vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn
Vietnam Airlines vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn

Bất ngờ có lãi sau 16 quý lỗ liên tiếp, thoát án “huỷ niêm yết”

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Theo giải trình từ Vietnam Airlines, lợi nhuận quý này của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hãng bay có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024 Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay (đây là quí đầu tiên sau đại dịch covid Pacifci Airlines có kết quả kinh doanh lãi).

 

Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty là âm 12.556 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines ở mức 24.401 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vietnam Airlineas đạt 56.316 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Arilines tính đến phiên giao dịch ngày 3/5 đang có mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ tháng 8/2022 và tăng hơn 50% so với đầu năm nay. Trước đó, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4/2023. Lý do là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định. Bên cạnh đó, hiện cổ phiếu HVN đang rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết vì Vietnam Airlines đã trải qua 3 năm lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu.

Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019 như sau: “ 1. cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường họp sau đây:… e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lễ trong 03 năm liên tục hoặc tổng sô lỗ luỹ kế vượt quá so vốn điều lệ thực góp hoặc vắn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;. ”.

Từ đó, HOSE đã nhiều lần phát cảnh báo về nguy cơ huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Arilines trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, với sự “trợ giúp” từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay mã HVN vẫn đang được niêm yết và giao dịch bình thường trên sàn chứng khoán.

Vì vậy, việc kết quả kinh doanh quý 1 ghi nhận lãi đã “cứu kéo” thêm phần nào nguy cơ huỷ niêm yết của HVN. Ở đây phải nói thêm, VNA là một tổng công ty có phần vốn chi phối của Nhà nước. Nên trong trường hợp mã chứng khoán bị huỷ niêm yết chắc chắn sẽ gây ra “hậu quả” tức thì đối với các lãnh đạo tại VNA, những người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA.

Ông Đặng Ngọc Hòa đảm nhận vị trí Chủ tịch Vietnam Airlines từ năm 2020.
Ông Đặng Ngọc Hòa đảm nhận vị trí Chủ tịch Vietnam Airlines từ năm 2020.

Được biết, lãnh đạo của VNA là ông Đặng Ngọc Hoà, sinh năm 1972, thạc sỹ kỹ thuật ngành hàng không được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhiệm kỳ 2020-2025, từ tháng 08/2020. Ông Hoà tham gia Vietnam Airlines từ năm 1995 với vị trí chuyên viên, từ năm 2016 ông giữ vai trò Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Tổng công ty.

Năm 2010-2016, ông Hoà làm thành viên HĐTV công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không, năm 2018 ông làm Chủ tịch HĐTV công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất Việt Nam (VIAGS), từ tháng 1/2020, ông làm Chủ tịch HĐTV công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay.

Kỳ lạ việc các con đều có lãi, nhưng mẹ lại lỗ!

Hiện tại, Vietnam Airlines đã phát triển mạnh với 15 công ty con, chiếm từ 51% đến 100% cổ phần. Trong năm vừa qua, 6 đơn vị thuộc hệ thống này đã đạt lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Các công ty đó bao gồm VAECO, Skypec, VACS, TCS, NCTS và VIAGS.

TCS, công ty con của Vietnam Airlines, đạt lợi nhuận cao nhất với hơn 393 tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines sở hữu 55% cổ phần của công ty này. Đây là kho hàng hóa quốc tế đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất. Năm trước, TSC thu về hơn 700 tỷ đồng từ việc phục vụ hơn 211.000 tấn hàng hóa. Tiếp theo là NCTS, công ty con tại sân bay Nội Bài, có lợi nhuận trước thuế là 272 tỷ từ việc xử lý hơn 300.000 tấn hàng hóa với doanh thu hơn 724 tỷ đồng trong năm 2023.

Skypec và VAECO, hai công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của Vietnam Airlines, lãi lần lượt là 176 tỷ và 142 tỷ đồng. Trước đây, Skypec thường làm ăn tốt nhất trong hệ thống này, nhưng từ khi đại dịch bùng phát và giá nhiên liệu bay tăng cao, biên lợi nhuận của Vietnam Airlines đã giảm đáng kể. Skypec từng có lợi nhuận hơn 650 tỷ đồng vào năm 2019, nhưng năm trước đó chỉ còn hơn 33.450 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng đang xem xét việc giảm vốn đầu tư tại Skypec và VAECO như phần của kế hoạch tái cơ cấu tổng thể.

Các công ty con khác như VIAGS và VACS, mỗi công ty đều 100% thuộc sở hữu của Vietnam Airlines, cũng đều có lợi nhuận, lần lượt là 115 tỷ và 103 tỷ đồng. TECS, công ty con với 51% vốn sở hữu của Vietnam Airlines, ghi nhận lợi nhuận gần 100 tỷ đồng từ việc kinh doanh hàng hóa trên 35.000 tấn trong năm trước.

Tóm lại, ngoài công ty mẹ và Pacific Airlines, 14 công ty con của Vietnam Airlines, hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ ngành hàng không, đều có lợi nhuận, tổng cộng khoảng 1.410 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có 4 doanh nghiệp liên kết, trong đó VALC, công ty chuyên cho thuê máy bay, ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 16,8 triệu USD trong năm vừa qua, đồng thời có lợi nhuận lớn từ việc bán thanh lý các máy bay ATR72.

Báo cáo tài chính 2022 thể hiện 55,2% cổ phần VNA do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) nắm, 31,14% nằm trong tay Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Một cổ đông lớn khác là cổ đông ngoại ANA Holdings nắm hơn 5,62%. Còn lại cổ đông khác chỉ nắm phần nhỏ với 8,04%. Như vậy, với việc lỗ luỹ kế hàng chục nghìn tỷ đồng, bên chịu thiệt nhất là Nhà nước với tỷ lệ sở hữu hơn 85% cổ phần tại VNA. Nhưng ngược lại, với 14 công ty con đều báo lãi, các cổ đông khác (bên cạnh VNA) sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp.

Thế nhưng, ở đây câu hỏi đặt ra là, trường hợp kinh doanh nào mà công ty mẹ lại lỗ trong khi tất cả các công ty con đều có lãi? Câu trả lời rất đơn giản nếu biết rằng thực tế 14 công ty con của Vietnam Airlines đều hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ ngành hàng không, tất nhiên khách hàng lớn nhất của các công ty con này cũng chính là công ty mẹ (Vietnam Airlines). Như vậy, có hai câu hỏi “nhỏ” sẽ cần phải được trả lời: Ai là chủ sở hữu 14 công ty con của Vietnam Airlines? Và, việc thực hiện các hợp đồng thầu giữa công ty con và công ty mẹ trong nội bộ Tổng công ty hàng không Việt Nam có tuân thủ đúng các quy định về đấu thầu hay chưa?

Tất nhiên, không chỉ mỗi người viết đặt ra câu hỏi này, thực tế chính tại nghị trường Quốc hội cũng đã có ghi nhận một số ý kiến đề nghị tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, bảo đảm minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tiếc thay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung này không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng không đặt ra các vấn đề liên quan tới Vietnam Airlines nên không bổ sung nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.

Hiện nay, Vietnam Airlines cho biết công ty đã hoàn thành đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 và báo cáo cổ đông, cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trong đó đặc biệt có việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính. Trong tình trạng kinh doanh còn nhiều bất cập, thông tin thiếu rõ ràng cũng như có nhiều nghi vấn như đã phân tích, việc xem xét đề án tái cơ cấu của VNA cần phải hết sức thận trọng, kỹ càng, tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Thành An

Next Post

Giá vàng hôm nay 14/5/2024 sập sàn

T3 Th5 14 , 2024
Giá vàng hôm nay 14/5/2024 vàng miếng SJC giảm cả triệu đồng đầu giờ sáng trước phiên đấu thầu vàng, còn 89 triệu đồng/lượng (bán ra), kéo giãn chênh lệch giá mua – bán tới 3 triệu đồng. Giá vàng quốc tế cũng giảm mạnh trước áp lực chốt lời. […]

Bài Liên Quan