Bị cáo Trương Mỹ Lan bày tỏ cảm thấy bối rối, bất an, thậm chí có dấu hiệu choáng và đứng không vững.
Chiều 15-11, TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm.
Sau khi đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình cho mình, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết cảm thấy bối rối, bất an, thậm chí có dấu hiệu choáng và đứng không vững.
Bị cáo nói trong tình trạng mất bình tĩnh rằng tha thiết đề nghị HĐXX và VKS xem xét lại hai cáo buộc “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”. Đồng thời khẳng định không chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và hy vọng HĐXX sẽ cân nhắc lại bản án.
“Đến hôm nay, khi VKSND vẫn giữ mức án tử hình, tinh thần của bị cáo thực sự bấn loạn, bị cáo không còn tâm trí nào. Kính xin tòa và VKS xem xét thật kỹ. Bị cáo chỉ mong được tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước” – bị cáo Lan nói, giọng xúc động.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Nữ bị cáo bày tỏ suốt 10 năm qua dành nhiều tâm huyết để đóng góp cho SCB.
“Bị cáo là người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bị cáo mong HĐXX và VKSND xem xét thật kỹ các số liệu, và một lần nữa cho bị cáo cơ hội đối chiếu với SCB” – bị cáo Lan nói.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư cho biết mặc dù bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực, bị cáo Lan đã chủ động gửi đơn đến Cục Thi hành án dân sự, đề nghị tổ chức thi hành án theo các quyết định của cả hai bản án sơ thẩm giai đoạn 1 và 2.
Luật sư cho rằng tại phiên phúc thẩm, bà Lan đã có sự thay đổi nhận thức, không còn kêu oan về tội danh mà chỉ mong HĐXX xem xét thấu đáo các tình tiết vụ án, đặc biệt là nguyên nhân, bối cảnh và tính xác thực của các số liệu quy buộc. Bà Lan cũng đã tự nguyện đề xuất những phương án nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo nguồn tài chính để bồi thường theo đúng cam kết của mình.
Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc đến nhân thân và hoàn cảnh của bà Lan cũng như đóng góp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong 30 năm qua, với vai trò tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Luật sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá khách quan đề án tái cơ cấu SCB và việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SCB tái cơ cấu nợ từ năm 2012.
Luật sư hy vọng HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án tử hình đối với tội danh “Tham ô tài sản” mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Ảnh: Hoàng Triều
Theo Ý Linh (Nld.com.vn)