Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả quy mô lớn.
Báo Tuổi trẻ ngày 14/01 đưa thông tin với tiêu đề: “Người đàn ông học lớp 9, không biết gì về dược làm giám đốc công ty sản xuất thuốc giả lớn ở TP.HCM” cùng nội dung như sau:
Ngày 14-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Kim Diệu (41 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Kingpharm), Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, vợ Diệu) cùng 20 người khác để điều tra về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Công an xác định vợ chồng Diệu – Hương thành lập, sử dụng pháp nhân 2 công ty trên để làm bình phong che giấu hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược các loại.
Bên trong xưởng sản xuất thuốc giả quy mô lớn tại TP.HCM, tang vật chất đầy 11 xe tải – Video: ĐAN THUẦN
Ngày 25-12-2024, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các quận, các đơn vị nghiệp vụ lập 4 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 4 địa điểm là cơ sở sản xuất, chứa nguyên liệu và thành phẩm thuốc giả.
Qua khám xét, công an thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm); 1.600kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc dùng để sản xuất thuốc giả.
Bắt nhóm giả danh bán thuốc chữa bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tiềnBệnh nặng hơn vì chất cấm trong thuốc giả, thuốc bổ kém chất lượng
Điều đáng nói trên vỏ hộp thuốc giả ghi nơi sản xuất là Singapore hoặc Malaysia.
Công an phải huy động 11 xe tải để vận chuyển số thuốc giả và nguyên liệu rất lớn nêu trên về trụ sở.
Cơ quan điều tra xác định Diệu và vợ bắt đầu sản xuất thuốc giả từ năm 2018. Bản thân Diệu chỉ học đến lớp 9, không có chuyên môn về ngành dược.
Diệu sản xuất thuốc giả bằng cách tìm mua nguyên liệu thuốc đông y và hoạt chất tân dược về trộn lẫn rồi nghiền thành bột, sau đó dùng máy đóng thành viên… Phần lớn nhân viên làm việc cho vợ chồng Diệu đều là người cùng họ hàng, thân quen.
Sản xuất thuốc giả trị giá hơn 45 tỉ đồng
Theo cơ quan điều tra, chỉ riêng năm 2024 vợ chồng Diệu đã sản xuất thuốc giả trị giá hơn 45 tỉ đồng. Riêng Đỗ Thành Mỹ (44 tuổi, ngụ quận 12), Đỗ Thanh Hải (52 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) và Nguyễn Mộng Điền (37 tuổi, quê Trà Vinh) đã tiêu thụ số thuốc giả trị giá gần 35 tỉ đồng.
Khác với những vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả trước đây, Diệu không làm giả những thương hiệu thuốc đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước, mà tự đặt tên một công ty và lấy trụ sở ở Malaysia và Singapore (không tồn tại trên thực tế) để in trên bao bì nhằm thể hiện sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.
Diệu khai lý do làm giả nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và khiến người mua, cơ quan chức năng khó truy xuất nguồn gốc.
Trước đó, báo VnExpress ngày 07/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Người đàn ông lấy bằng Dược sĩ ở tuổi 60”. Nội dung được báo đưa như sau:
Tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Tây Đô hôm 30/9, ông Phương là sinh viên lớn tuổi nhất nhận bằng Dược sĩ.
Vì sức khỏe yếu, ông được người thân dìu lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Ông nói bản thân xúc động vì đã thực hiện được ước mơ mấy chục năm qua, việc học hành luôn được vợ con ủng hộ hết mình. Ở dưới sân khấu, nhiều sinh viên hò reo, vỗ tay chúc mừng.
Video khoảnh khắc này sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt tương tác, phần lớn khâm phục vì tinh thần học tập của ông.
Tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng, kiêm Trưởng khoa Dược – Điều dưỡng, nói trân trọng và đánh giá cao sự nỗ lực, cũng như kết quả học tập của tân dược sĩ 60 tuổi.
“Quá trình phấn đấu thời gian qua cho thấy bằng tình yêu học tập và với quyết tâm cao, ông Phương đã vượt qua điều kiện tuổi tác, đường xá xa xôi, sự mặc cảm… để đạt được tâm nguyện của mình là điều rất đáng quý”, ông Luận nói.
Nói về quá trình học tập của mình, ông Phương kể trước đây tốt nghiệp trường Trung học y tế Cần Thơ, rồi làm việc tại trạm y tế xã Trường Thành từ năm 1986 đến 1989. Sau đó, ông xin nghỉ, cùng vợ mở quầy bán thuốc tại nhà, lo cho hai người con gái ăn học.
Năm 2014, ông quyết tâm trở lại trường, vừa để thỏa mãn đam mê học hành, vừa mong giúp ích cho công việc điều chế thuốc. Hàng ngày, người đàn ông này chạy xe máy vượt 30 km đến trường học tập cùng hơn 50 sinh viên khác trong lớp 9K, đa số ở độ tuổi 18-20.
Sau hơn 4 năm học, năm 2019, ông Phương hoàn thành chương trình với 172 tín chỉ, còn một số tín chỉ môn tiếng Anh để đáp ứng chuẩn đầu ra.
“Tuy nhiên, do bất ngờ đổ bệnh, phải đi điều trị một thời gian, rồi quay lại học và vượt qua môn này nên đến ngày 30/9 vừa rồi mới nhận bằng”, ông Phương nói. Trước buổi lễ, ông Phương mắc bệnh về mắt, thị lực kém nên đi lại khó khăn, phải phẫu thuật ở bệnh viện.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Yến, giảng viên Khoa Dược – Điều dưỡng, cố vấn học tập lớp 9K, nói thời gian đầu, nhận thấy ông Phương lớn tuổi, việc học hành gián đoạn thời gian dài, nhà xa nên đã phân công một số bạn trẻ quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng lớn, sinh viên lớn tuổi nhất lớp này đã tiếp cận, tiếp thu chương trình học tập khá tốt, ngang bằng với các thành viên khác.
“Đặc biệt, gần như chú Phương không bỏ buổi học nào, ngoại trừ những lúc bệnh”, cô Yến nói. Theo nữ giảng viên, khi thực hành trong phòng thí nghiệm, ông Phương luôn có sáng kiến, áp dụng, phát huy tốt kiến thức đã được học. Cô Yến đánh giá cao việc ông Phương đã vận dụng quy trình chiết xuất tinh dầu để nghiên cứu phát triển sản phẩm trị bệnh ho và một số loại mỹ phẩm.
Những ngày đầu tháng 10, ông Phương lại tất bật mày mò bào chế thuốc ho, tiểu đường và phụ vợ trông coi cửa hàng bán thuốc của nhà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai.
“Tôi mong có sức khỏe để vận dụng kiến thức đã học, tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất hai loại thuốc nói trên từ nguyên liệu thiên nhiên ở miền Tây, giúp miễn phí cho người bệnh ở nông thôn vốn kinh tế còn nhiều khó khăn”, ông nói.