Từ đầu năm học đến nay, nhiều trường ở các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn chưa bố trí dạy được các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc do thiếu giáo viên.
Nhiều trường tạm dừng môn học
Ông Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, đầu năm học 2024-2025, trường có 2 giáo viên dạy môn Âm nhạc và tiếng Anh chuyển công tác, không có ai dạy thay nên trường phải tạm dừng hai môn học này.
“Việc thiếu giáo viên và tạm dừng môn học nhà trường đã báo cáo huyện và phòng GD-ĐT. Đối với môn Âm nhạc (tuần 8 tiết), sau này sắp xếp được giáo viên có thể bố trí dạy bù, lo nhất là môn tiếng Anh (tuần 24 tiết), nếu kỳ 1 không được học, để dồn vào kỳ 2, các em phải học cả ngày rất vất vả”, ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, giáo viên tiếng Anh bây giờ hợp đồng rất khó.
Trường THCS Giao Thiện, huyện Lang Chánh đang phải tạm dừng hai môn học do thiếu giáo viên. Ảnh: Lê Dương
Cùng chung cảnh trường phải tạm dừng môn học, ông Nguyễn Văn Nhân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Khương, huyện Lang Chánh cho biết, theo chỉ tiêu, nhà trường được giao 34 biên chế, nhưng đến nay vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn Tin học, tiếng Anh.
“Mọi năm để hoàn thành được các môn học này, huyện phải điều giáo viên liên trường về giảng dạy. Đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa có giáo viên nào về”, ông Nhân chia sẻ.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, hầu hết các huyện miền núi ở Thanh Hóa như: Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát… đang chung thực trạng thiếu giáo viên, phải tạm dừng dạy một số môn học.
Đơn cử, trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện có ít nhất 5 trường tạm dừng học môn Tin học và tiếng Anh.
Ông Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Giao Thiện chia sẻ về việc thiếu giáo viên. Ảnh: Lê Dương
Khó tìm nguồn tuyển, thiếu kinh phí trả thêm giờ
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lang Chánh cho biết, năm học 2024-2025, toàn huyện còn thiếu 92 biên chế so với số lượng tỉnh giao.
Cụ thể, ở khối tiểu học thiếu 38 giáo viên. Trong đó, thiếu nhiều nhất là Trường Tiểu học Yên Thắng 8 giáo viên; Trường Giao Thiện, Trí Nang mỗi trường 6 giáo viên; Trường Tân Phúc 5 giáo viên. Khối THCS thiếu 22 giáo viên, trong đó Trường Lâm Phú 6 giáo viên; Yên Thắng 5 giáo viên; Thị trấn Lang Chánh 5 giáo viên…
Các giáo viên thiếu chủ yếu ở các môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Hóa học, Địa lý.
“Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đầu năm tỉnh giao cho huyện 58 chỉ tiêu ký hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính Phủ. Đến tháng 5/2024, huyện đã tổ chức tuyển, tuy nhiên chỉ được 25 giáo viên. Cuối tháng 9, phòng GD-ĐT đã có tờ trình đề nghị chủ tịch huyện cho chủ trương hợp đồng giao khoán công việc đối với giáo viên còn thiếu theo biên chế là 92 người nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học”, ông Sơn cho biết.
Ở các huyện miền núi, việc tuyển hợp đồng giáo viên khá khó khăn. Ảnh: Lê Dương
Theo ông Sơn, khó khăn nhất bây giờ là nguồn tuyển, bên cạnh đó là kinh phí để hợp đồng giao khoán công việc cho giáo viên.
Ông Quách Văn Hoan – Trưởng phòng Tài chính huyện Lang Chánh cho biết, huyện đang thiếu gần 100 giáo viên. Để đảm bảo được đủ giờ học, môn học phải có giáo viên dạy thay, dạy thêm giờ.
Tuy nhiên hiện tại, dự toán Sở Tài chính giao nguồn ngân sách theo số người thực, nên kinh phí chỉ đủ chi trả nghiệp vụ chuyên môn cho số giáo viên hiện có.
“Kỳ 2 của năm học 2023-2024 huyện chưa thể cân đối được nguồn chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ (5 tháng) là hơn 2,1 tỷ đồng. 4 tháng của kỳ 1 năm học 2024-2025 cũng đang rơi vào tình trạng trên, dự kiến gần 2 tỷ đồng”, ông Hoan cho biết.
Cũng theo ông Hoan, qua con số tính toán trên, phòng tài chính đang tham mưu cho UBND huyện làm văn bản đề nghị với UBND tỉnh bổ sung ngân sách, do huyện không thể cân đối được nguồn.
Theo Lê Dương (VietNamNet)