Bên cạnh việc giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần thì cần điều chỉnh tăng lương cho người lao động để họ có thu nhập đủ sống, không phải làm thêm giờ.
Giảm giờ làm để người lao động tái tạo sức lao động
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu sớm thực hiện quy định giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần theo Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Giảm giờ làm việc tiêu chuẩn là điều người lao động khu vực DN, nhất là những người trực tiếp sản xuất rất mong chờ để có cơ hội chăm lo cho các con cũng như nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo sức lao động.
“Trước đây, tôi làm việc cho 1 DN 6 ngày/tuần, lại còn làm thêm 2 – 3 tiếng/ngày nên không có thời gian dành cho gia đình. Hiện nay, tôi đang đi tìm công ty khác cho người lao động nghỉ chiều thứ Bảy và Chủ nhật để ứng tuyển. Nếu công ty tổ chức tăng ca, chúng tôi bố trí được thời gian làm việc thì hưởng lương làm thêm giờ, sẽ có lợi hơn hiện nay làm việc 48 tiếng/tuần” – chị Nguyễn Thùy Linh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu sớm thực hiện quy định giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. Ảnh: Ánh Ngọc.
Về phía các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (như giao hàng, nhà hàng – khách sạn) cho rằng, ở một số vị trí có thể bố trí cho người lao động làm việc dưới 48 giờ/tuần, nhưng phải tuyển dụng thêm nhân sự để đáp ứng đơn hàng của khách. Chị Vũ Thị Thùy đang công tác tại Bộ phận Tuyển dụng của Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nội cho biết: “Đối với khoảng thời gian bình thường, Viettel có thể sắp xếp cho các bưu tá giao nhận làm việc 6 – 7 tiếng/ngày nhưng phải phân chia ca phù hợp. Nhưng dịp lễ, Tết, chúng tôi có nhiều đơn hàng thì khó có thể thực hiện làm việc dưới 8 tiếng/ngày, thậm chí phải tăng ca”.
Một số DN dệt may cho rằng, khó có thể sắp xếp được thời gian làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần. Bởi hiện nay, các công ty đang tăng đơn hàng nhưng lại rất khó khăn trong tuyển dụng công nhân vào làm việc. Thậm chí, có những DN ở Hà Nội phải cho người đi các tỉnh, xuống tận huyện, xã để mời người lao động về làm việc. “Tôi nghĩ sẽ không ổn khi giảm giờ làm việc tiêu chuẩn bởi thị trường lao động ngành may rất cạnh tranh về giá, thời gian giao hàng. Giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với DN phải tuyển thêm người, bổ sung máy móc. Điều quan trọng là không tuyển được lao động, đây là bài toán khó đối với nhiều DN may hiện nay. Hiện nay, khi DN có nhiều đơn hàng thì lại lo ngay ngáy thiếu người làm để đảm bảo giao hàng đúng thời gian quy định” – chị Cao Thùy Như là Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự Công ty TNHH Maxcore chia sẻ.
Chuyển đổi công nghệ giúp tăng thu nhập
“Tăng quyền lợi cũng như giảm thời gian làm việc là mục tiêu chúng ta luôn theo đuổi để đảm bảo an sinh xã hội” – bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết. Cũng theo bà Kim Ngân, hiện nay các DN hoàn toàn có thể cân nhắc đến điều chỉnh giảm thời gian làm việc cho người lao động. So sánh giữa khu vực công và DN cho thấy, công nhân, người lao động làm việc nhiều giờ hơn so với cán bộ, công chức.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm giờ làm việc để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian phục hồi sức khỏe. Ảnh: Phạm Hùng.
Khi giảm thời gian làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần thì có những điểm lợi cho người lao động, đó là: tạo điều kiện cho người lao động có thời gian phục hồi sức khỏe để đảm bảo cơ thể được tốt hơn và giảm tai nạn lao động cũng như căng thẳng nơi làm việc. Người lao động có thời gian để dành cho gia đình, chăm sóc con cái; tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Nhưng có một thực tế hiện nay, nhiều người lao động khi đi tìm việc đều hỏi công ty có tăng ca thì mới ứng tuyển. Về vấn đề này, có chuyên gia lao động cho rằng, người lao động muốn làm thêm giờ vì thu nhập của họ thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống. “Vấn đề ở đây, không chỉ là giảm giờ làm mà cần điều chỉnh tiền lương của người lao động. Làm sao để người lao động làm việc 8 giờ/ngày có thu nhập đủ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của họ. Lúc đó họ không cần phải làm thêm, không phải lao động một cách quá sức để có thu nhập đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu” – bà Kim Ngân nói.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS Phạm Thị Thu Lan cho rằng: “Nếu DN vẫn nghĩ đến việc tiếp tục thu hút lao động, dùng lao động giá rẻ thì sẽ không đóng góp được cho an sinh xã hội và người lao động. Bởi vì nước ta đang bắt đầu già hóa dân số, nếu người lao động làm việc bằng sức lao động thì không thể tăng năng suất lao động. Thế nên, DN chuyển đổi công nghệ là đóng góp tốt nhất để tăng năng suất lao động. Vì thế DN phải thay đổi tư duy”.