Nói lời sau cùng trong nước mắt, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước ăn năn và cho biết những ngày qua rất xấu hổ và nhục nhã…
Chiều 4/4, phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB diễn ra tại TAND TP.HCM tiếp tục với những lời nói sau cùng của các bị cáo trước khi HĐXX tiến hành phần nghị án.
Chờ đợi rất lâu để bước lên nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) nói trong nước mắt: “Sau 30 năm công tác trong ngành ngân hàng, 24 năm phụ trách thanh tra, vị trí nào bị cáo cũng được tin tưởng, yêu thương. Chỉ vỉ một lúc hèn nhát và yếu lòng mà phải trả giá. Bị cáo cảm thấy xấu hổ, và nhục nhã với những hành vi mình phạm phải. Đây là bài học vô cùng sâu sắc đối với bị cáo”.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) tại toà. Ảnh: Lê Giang.
Theo bà Nhàn, khi nhận thức được hành vi vi phạm của mình, bị cáo thành khẩn khai báo từ ngày đầu và suốt quá trình xét hỏi phiên tòa. Bị cáo không có ý chối tội và đổ lỗi cho ai. Vì thế bị cáo xin HĐXX xem xét và có mức án nhẹ hơn để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình và xã hội.
“Những ngày qua là những ngày tột cùng đau khổ, tang thương của bị cáo. 86 gia đình là 86 hoàn cảnh tang thương chứ không riêng gì bị cáo. Với việc làm của mình, bị cáo trở thành đứa con bất hiếu khi không thể đưa tiễn mẹ già khi mất. Và bố già 90 tuổi phải dõi theo vụ án từng ngày trong đau khổ”, bị cáo Đỗ Thị Nhàn ngậm ngùi nói.
Bên cạnh đó, bà Nhàn cũng nhắc về truyền thống gia đình đã đóng góp nhiều cho đất nước. Bị cáo Nhàn nói: “Gia đình hai bên bị cáo đều gắn bó với cách mạng. Mồ hôi, sức khỏe bố mẹ chồng đổ trên đồi A1 chiến dịch Điện Biên Phủ. Những người thân khác đã đổ máu vì Tổ quốc được nhà nước ghi nhận.
Bị cáo đã được nhà nước, các bộ ngành trao nhiều bằng khen huân chương. Nhưng chỉ vì hành vi của bị cáo đã phá đi tất cả những sự hy sinh của các người thân”.
Bà Nhàn ân hận, mong sự thứ tha: “Bị cáo xin cảm ơn, xin lỗi bố, chồng, các con, anh chị em và những người thân đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Mong HĐXX cho 11 bị cáo trong đoàn thanh tra có cơ hội trở về với gia đình. Bị cáo xin hứa dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng chấp hành cải tạo”.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ”, mức án VKS đề nghị cho bị cáo Nhàn là chung thân.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước) tại toà. Ảnh: Lê Giang.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận sai phạm trong lời nói sau cùng của mình. Bị cáo Hưng nói: “Tất cả những gì liên quan đến hành vi vi phạm đã được VKS kết luận bị cáo thừa nhận. 2 lần đưa ra khung hình phạt, bị cáo thấy được sự thấu hiểu khi đưa ra khung hình phạt thấp hơn ban đầu. Đây là sự khoan dung độ lượng của VKS và HĐXX đối với bị cáo”.
Theo đó, bị cáo Hưng gởi lời xin lỗi: “Trên cơ sở luận tội VKS, bị cáo có tội, chính vì có tội bc có lỗi rất lớn, nhân đây bị cáo xin gởi lời xin lỗi đến Chính phủ, Đảng, nhà nước, các cơ quan đã tin tưởng mình. Bị cáo nhận thấy trách nhiệm của mình là người đứng đầu cơ quan giám sát nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Bbị cáo nhận thức rõ hành vi và hối hận, thay mặt anh em trong đoàn xin được tha thứ”.
Theo bị cáo Nguyễn Văn Hưng, VKS đã đưa ra các khung hình phạt cho đoàn thành tra đã cho thấy sự độ lượng khoan dung. Nhưng ông xin HĐXX khoan dung hơn, thấu hiểu hơn để có mức án nhẹ hơn với các bị cáo trong đoàn thanh tra, đặc biệt là bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Với chấn thương cột sống, bị cáo Nguyễn Cao Trí tập tễnh bước lên nói lời sau cùng. Theo ông, việc đứng ở phiên tòa này với tâm trạng nặng nề do hành vi mình gây ra, không ngôn từ nào diễn tả được và trong lòng đầy sự ân hận day dứt. Ông gởi lời xin lỗi đến người thân, các cộng sự đã nỗ lực hoạt động hơn một năm qua để đảm bảo sự hoạt động bình thường trong hệ thống của mình kể từ khi bị bắt. Ông hy vọng sai phạm cá nhân của mình không ảnh hưởng đến hệ thống, không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy học tập của thầy cô và sinh viên của Trường ĐH Văn Lang.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại toà. Ảnh: Lê Giang.
“Sai phạm bị cáo nhận từ đầu, bị cáo muốn nói thêm bối cảnh thách thức đưa bị cáo vào tình cảnh khó khăn. Nỗ lực giải quyết số nợ cho chị Lan luôn được bị cáo đặt lên hàng đầu… Trước khi bị khởi tố bị cáo kiến nghị nộp toàn bộ số tiền để vấn đề không đi quá xa nhưng không được chấp thuận.
Sai lầm diễn ra trong hoàn cảnh bất ngờ khi bị cáo và chị Lan mất kết nối với nhau. Nên bị cáo bị tố cáo dẫn đến tình cảnh đáng tiếc như hiện nay. Tất cả tình tiết đã thể hiện rõ ở 6 nội dung mà luật sư Trịnh Minh Hải đưa ra lý lẽ đối đáp biện luận trước toà”, bị cáo Nguyễn Cao Trí giải thích.
Theo ông Trí, hành trình 30 năm ông xây nhiều doanh nghiệp đạt nhiều thành quả, được nhà nhà nước công nhận. Hành trình đó gian nan vất vả đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực nhiều năm.
“Chị Lan đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho tôi. Tôi và chị Lan bàn bạc trả 1.000 tỷ trong 2 năm, tuy nhiên thời gian này chị bị khởi tố. Xin lỗi chị Lan vì những gì đã gây ảnh hưởng của tôi đã gây ra đối với chị. Tôi xin gởi lời xin lỗi đến những người vì tôi bị ảnh hưởng, vì tôi mà đau đớn”, ông Nguyễn Cao Trí gởi lời xin lỗi đến bà Trương Mỹ Lan.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng mong được hưởng hình phạt đặc biệt để có cơ hội về với mẹ già, lo cho người thân và sự nghiệp dở dang.
“438 ngày ở các trại tạm giam tôi đối mặt chấn thương cột sống mà chưa điều trị. Đây là hình phạt đau đớn đối với tôi. Tôi kính mong HĐXX xem xét để tôi có án phạt nhẹ để về với gia đình”, bị cáo Nguyễn Cao Trí kết lời nói sau cùng.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí cũng là người cuối cùng nói lời sau cùng trong 79 bị cáo có mặt tại toà. Theo kế hoạch, HĐXX sẽ tiến hành nghị án và đưa ra kết luận vào sáng 11/4/2024.