Cải cách tiền lương đồng nghĩa với việc lương giáo viên được cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Điều này giúp thầy cô bớt muộn phiền về nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng cũng khiến họ đau đáu chuyện bị cắt bỏ phụ cấp thâm niên.
Vào nghề 13 năm, sau 5 lần tăng lương, hiện cô Phạm Thị Tâm – giáo viên giảng dạy môn Địa lý tại một trường cấp ba trên địa bàn tỉnh Bắc Giang – hiện hưởng lương gần 9.000.000 đồng/tháng, bao gồm phụ cấp. Với mức lương hiện tại, cô phải căn ke từng đồng trong chi tiêu vì đang nuôi con cái ăn học và bố mẹ lớn tuổi.
Đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày khiến cô Tâm không khỏi chạnh lòng. Bởi vậy, chính sách cải cách tiền lương sắp áp dụng tới đây có ý nghĩa đặc biệt với cô.
“Chúng tôi rất vui mừng trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành Giáo dục. Lương giáo viên có thể tăng lên hơn 32% là niềm động viên lớn để chúng tôi giải quyết những khó khăn về tài chính, cũng là sự khích lệ tinh thần để tăng quyết tâm gắn bó với nghề và tiếp tục cống hiến” – cô Tâm chia sẻ.
Gắn bó chục năm với nghề trông trẻ, cô Phương Thị Tuyền – giáo viên Trường Mầm non Đồng Hưu (Bắc Giang) – tâm sự: “Công việc này đặc thù phải đi sớm về khuya, bên cạnh việc giáo dục trẻ, giáo viên mầm non còn phải làm đồ dùng dạy học, trang trí lớp, rồi chăm cho các bé từ bữa cơm, giấc ngủ đến việc đảm bảo vệ sinh, an toàn. Thế nhưng đồng lương nhận về chưa thực sự tương xứng với công việc chúng tôi đảm nhiệm, nhiều lúc nghĩ cũng chạnh lòng và tủi thân lắm”.
Với chính sách cải cách tiền lương lần này, cô Tuyền rất kỳ vọng lương giáo viên sẽ được điều chỉnh cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Điều này không chỉ giúp cuộc sống của nhà giáo được cải thiện mà còn thể hiện sự quan tâm và trân trọng giáo viên. Đặc biệt, đây cũng là chất “xúc tác” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.
d
Cải cách tiền lương là tin mừng với đội ngũ nhà giáo. Ảnh: Anh Thư
Đau đáu chuyện cắt bỏ thâm niên
Chung niềm vui với chính sách mới nhưng giáo viên có thời gian dài công tác lại ít nhiều cảm thấy nuối tiếc khi phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ khi cải cách tiền lương.
Theo tâm sự của một số giáo viên lớn tuổi, phụ cấp thâm niên không chỉ là khoản tiền đơn thuần mà đó còn là sự ghi nhận những cống hiến và đóng góp của giáo viên với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
“Bỏ khoản phụ cấp này là một sự tiếc nuối, dù nó không nhiều nhưng đó là khoản tri ân, tạo động lực cống hiến cho thầy cô giáo” – cô Nguyễn Mai Thu, giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội), nói.
Thời gian qua, cử tri nhiều tỉnh thành đã gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ đề nghị giữ phụ cấp thâm niên với giáo viên để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024 sẽ có cơ cấu tiền lương mới gồm:
Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nghiệp (trừ quân đội, công an, cơ yếu) để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.