Những tài khoản này được sử dụng để nhận tiền có được từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang các tài khoản ngân hàng khác.

Theo báo Người đưa tin ngày 19/12 có bài 7 số tài khoản ngân hàng lừa đảo, người dân cần cảnh giác không chuyển tiền! Nội dung như sau:

Báo Công An Nhân Dân đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Nguyễn Tấn Thường (SN 1995, trú tại xã An Phú, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), đối tượng có hành vi mở nhiều tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng lừa đảo tại Campuchia.

Đầu tháng 10/2024, Công an quận Liên Chiểu nhận được tin báo từ chị Trương Thị N. (SN 1986, tạm trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về việc bị các đối tượng giả danh công an lừa đảo.

Cụ thể, ngày 2/10, chị N. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0836943676 tự xưng là trực ban Công an xã Hiền Ninh. Người này thông báo với chị rằng “2 người cháu của chị N. chưa làm Căn cước công dân, yêu cầu phải làm gấp” và nói thêm “lát nữa sẽ có anh Nam, công tác tại Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình liên hệ để hướng dẫn”.

Đối tượng khai nhận đã sử dụng 7 tài khoản tại BIDV, VietinBank, Vietcombank, VIB… để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh hoạ)

Chiều cùng ngày, chị N. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số 0967971436, đầu dây bên kia tự xưng là “Nam – Công an huyện Quảng Ninh”. Người này yêu cầu chị N. bổ sung các thông tin làm Căn cước công dân cho 2 cháu.

Đồng thời, đối tượng đề nghị chị N. nhập từ khóa “chinhphu.hodancu.com” trên Google rồi làm theo hướng dẫn. Chị N. thực hiện theo bằng cách nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và nhận diện khuôn mặt…

Một lúc sau, chị N. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị trừ tiền 2 lần với số tiền mỗi lần là 9,9 triệu đồng, lần thứ 3 bị trừ 19 triệu đồng. Tất cả số tiền được chuyển đến số tài khoản 061810876 tại VIB, mang tên Nguyễn Tấn Thường.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Liên Chiểu xác lập chuyên án, giao Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy điều tra. Kết quả xác minh cho thấy, Nguyễn Tấn Thường thường xuyên qua lại Campuchia và nghi vấn tham gia hoạt động đánh bạc tại đây.

Khi nắm được thông tin Thường có mặt tại địa phương, Công an quận Liên Chiểu đã nhiều lần cử các tổ công tác vào Phú Yên, tuy nhiên, lúc tiếp cận thì đối tượng đã rời đi trước đó.

Giữa tháng 12/2024, Thường bị cơ quan chức năng Campuchia trục xuất về nước. Công an quận Liên Chiểu phối hợp tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để bắt giữ và đưa đối tượng về làm việc.

Tại cơ quan công an, Thường khai nhận từ tháng 4/2024 đã được một người đàn ông (không rõ lai lịch) rủ sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch để làm việc. Đến Campuchia, Thường được giao nhiệm vụ đứng ra đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận nguồn tiền có được từ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang các tài khoản ngân hàng khác.

Mỗi số tài khoản khi nhận được tiền, Thường được trả hoa hồng 8 triệu đồng. Riêng nhiệm vụ giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ giao cho nhóm khoảng 70 đến 80 người Việt Nam (cũng đang làm việc trong cơ sở này).

Trước khi sang Campuchia, Thường đã mở tổng cộng 20 tài khoản ngân hàng, nâng hạn mức mỗi tài khoản lên tối thiểu 3 tỷ đồng để phục vụ hoạt động nhận tiền lừa đảo.

Thường khai nhận đã sử dụng 7 tài khoản để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tất cả đều mang tên Nguyễn Tấn Thường, bao gồm:

– Ngân hàng VIB, số tài khoản 061810876.

– Ngân hàng Techcombank, số tài khoản 19040027069013.

– Ngân hàng TPBank, số tài khoản 10981888886.

– Ngân hàng MB, số tài khoản 0375588149.

– Ngân hàng BIDV, số tài khoản 8865321980.

– Ngân hàng VietinBank, số tài khoản 109818888839.

– Ngân hàng Vietcombank, số tài khoản 1050621270.

Cơ quan Công an xác định, từ ngày 29/9 đến ngày 9/10, Thường đã nhận được số tiền chuyển vào tài khoản VIB khoảng 6,4 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận tiền, Thường đã chuyển toàn bộ số tiền này vào nhiều tài khoản khác nhau.

Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy vết dòng tiền đối với các số tài khoản còn lại của Nguyễn Tấn Thường, đồng thời điều tra mở rộng chuyên án.

Để phục vụ công tác điều tra, Công an quận Liên Chiểu thông báo ai là bị hại của Nguyễn Tấn Thường thì liên hệ số điện thoại 02363841563 hoặc đến trụ sở tại địa chỉ 238 Hồ Tùng Mậu, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng để cung cấp thông tin.

Báo Tiền Phong đưa tin “Cảnh báo chiêu lừa giúp lấy lại tiền trong vụ lừa đảo của Mr. Pips” như sau:

Lợi dụng vụ án Mr. Pips để lừa đảo

Vụ án lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng do Phó Đức Nam – Mr. Pips và Lê Khắc Ngọ – Mr Hunter cầm đầu đã gây chấn động dư luận. Tổng số tiền bị phong tỏa lên đến 5.200 đồng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định có 2.661 bị hại.

Lợi dụng vào tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho bị hại trong vụ án của Mr. Pips.

Đây không phải là chiêu trò mới song người dân cần tỉnh táo, cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân lần 2.

Đơn cử, tài khoản có tên “Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả” đăng tải video về vụ việc của Mr. Pips kèm nội dung cam kết: “Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo của Mr. Pips Phó Đức Nam! Bạn bị lừa mà không biết cách để lấy lại, chúng tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ giải quyết nhanh. Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau”. Cùng với đó là đường link dẫn tới tài khoản của người được cho là “nhân viên pháp lý” sẽ hỗ trợ.

Bài viết được chúng chạy quảng cáo thu hút hơn 70 nghìn lượt xem. Trong đó 3,1 nghìn lượt like, 513 bình luận. Đáng chú ý, trong đó có nhiều bình luận giả mạo rằng đã “nhận được tiền treo sau khi liên hệ công ty”. Những bình luận này kéo về nhiều cảm xúc phẫn nộ của người dùng. Bên cạnh đó, cũng có bình luận “tố cáo” công ty này lừa đảo.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới nhắm vào nạn nhân vụ Mr. Pips.

Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo

Thời gian qua, tình trạng tội phạm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã có những diễn biến phức tạp. Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là chiêu trò “lấy lại tiền bị lừa”, đang ngày càng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội.

Các đối tượng lừa đảo tiếp tục tạo lập các tài khoản, fanpage, website giả mạo các cơ quan chức năng như Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư để quảng bá các dịch vụ như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”, “thu hồi tiền bị chiếm đoạt”, “thu hồi tiền trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền không cần đặt cọc”… và cam kết chỉ thu phí sau khi người dân đã nhận lại số tiền bị lừa.

Mục đích của các đối tượng này là tiếp cận những người đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo, lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tài sản đã mất của họ, tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo lần hai. Chúng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các cơ quan công an, công ty luật và văn phòng luật sư để tạo dựng lòng tin, kèm theo các video, bài viết cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, cắt ghép các phát biểu của luật sư và cán bộ công an, thậm chí sử dụng hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung giả mạo rằng Bộ Công an và Viện Kiểm sát đã ủy quyền “thu hồi vốn” và “đòi lại tiền bị lừa đảo”.

Để gia tăng độ tin cậy, chúng còn sử dụng quảng cáo để các video và bài viết này xuất hiện liên tục trên mạng xã hội, thu hút người dân quan tâm. Những kẻ lừa đảo cũng tạo ra hàng loạt tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác vào các bài viết, đặc biệt là trên các trang thông tin uy tín, nhằm tạo sự chú ý và thu hút nạn nhân.

Trước tình trạng này, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là những ai đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng, cần lưu ý tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”, “thu hồi tiền bị chiếm đoạt”… Không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị thiệt hại thêm.

Liên quan đến vụ án lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng do Phó Đức Nam – Mr. Pips và Lê Khắc Ngọ – Mr Hunter cầm đầu, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Công an TP Hà Nội cũng đề nghị những người là bị hại trong vụ lừa đảo trên các trang web, sàn giao dịch… trình báo với Phòng CSHS Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc để được hướng dẫn giải quyết.

Hoặc các bị hại có thể liên hệ Phòng CSHS Công an TP Hà Nội theo địa chỉ số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đường dây nóng 0886.882.338, hoặc đồng chí Bùi Quang Tùng – điều tra viên, điện thoại 0989.651.412.