Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây xảy ra 2 vụ tai nạn với học sinh khi bị ô tô của phụ huynh hoạt động trong trường học tông phải.
Nhìn rộng hơn, những vụ tai nạn chết người trước đây liên quan tới vấn đề này cũng đặt ra một đòi hỏi cấp thiết: Cần quy định rõ ràng và sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn với việc lái ô tô trong khu vực sân trường.
Trưa ngày 01/10, một nữ phụ huynh lái ô tô vào sân một trường THCS-THPT ở TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đã tông trúng một học sinh đi xe điện. Rất may học sinh này không bị thương và có thể học lại ngay. Theo nhà trường, ở cổng đã có biển cấm ô tô vào trường từ 6h sáng đến 17h chiều, tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ việc vào lúc giao ca bảo vệ nên có sự lơi lỏng kiểm soát.
Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, một vụ việc tương tự nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn. Do trời mưa, một phụ huynh chở con bằng ô tô vào tận sân trường ở huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk. Khi lùi xe quay đầu đã đụng trúng một học sinh lớp 2 đang đứng phía sau xe khiến em tử vong tại chỗ. Vị phụ huynh này sau đó đã bị khởi tố hình sự.
Hiện trường vụ ô tô vào sân trường va chạm với học sinh đi xe điện tại Quảng Ninh hôm 1/10/2024
Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng tới sự cố một giáo viên đi đón con trong sân trường ở Nghệ An vào tháng 9/2023, đã lùi xe đâm một học sinh tử vong
Theo dõi những thông tin tai nạn trong sân trường, là một phụ huynh có con nhỏ đang học cấp 2, anh Lại Tường Giang, cư trú ở quận Long Biên, Hà Nội tỏ ra rất lo lắng: “Mặc định sân trường không có phương tiện giao thông. Chỉ có các cháu chơi đùa với nhau, không bao giờ chúng nó để ý trước sau có xe cả. Nhất là các phụ huynh giờ nhiều xe cá nhân tự lái, họ không chuyên nghiệp, bị phân tán tư tưởng, chỉ quan tâm con họ không bị mưa, bị nắng, ngoài ra các vấn đề xung quanh không để ý được. Nhất là lúc lùi xe, có những phụ huynh đi vào sân trường đông như thế mà không mở gương, chả hiểu lái xe kiểu gì. Nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho các cháu”.
Một phụ huynh bị khởi tố vì lùi xe gây tai nạn tử vong với một học sinh trong sân trường tại Đắk Lắk hồi tháng 9/2024.
Theo anh Giang, ở các trường có sân lớn, có thể bố trí chỗ để xe cho giáo viên, cán bộ trường thì cần có luồng riêng và thời điểm ra vào ngoài giờ có học sinh tại trường. Như thế mới đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối trong môi trường giáo dục: “Kể cả giáo viên vào trường, mà đi lại hàng ngày, biết chỗ nào đỗ xe của mình, mà vẫn va vào các cháu. Huống hồ là phụ huynh, năm thì mười họa mới đi một lần, rồi điều kiện thời tiết.
Theo tôi, nhà trường có cơ sở vật chất rộng, có thể quy hoạch đi vào luồng đi riêng. Nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất thì cấm hoàn toàn là tốt nhất. Xảy ra tai nạn không ai muốn, tất cả đều khổ, đặc biệt là các cháu”.
Trong khi đó, chị Lê Hồng Tuyến, người thường xuyên lái ô tô đón con ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng có chia sẻ quan điểm riêng. Chị Tuyến mong muốn, với những trường đủ diện tích, có thể bố trí luồng “đảo giao thông” đón trả riêng như trong bệnh viện. Mấu chốt là sự kiểm soát, hướng dẫn phân luồng chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng và nhà trường.
“Quan điểm của tôi cần căn cứ vào khuôn viên, vị trí giao thông của trường học đấy để có sự phân luồng cho hợp lý. Nếu cấm ô tô phụ huynh vào đón con thì sẽ gây ùn tắc cục bộ trước cổng trường. Khuôn viên đủ rộng cho ô tô vào thì cần sự phối hợp nhà trường và lực lượng chức năng tránh ách tắc và tránh các sự việc đáng tiếc như vừa rồi”.
Theo chị Lê Hồng Tuyến, đương nhiên, khi sân trường nhỏ, hoặc nhà trường không có phương án đảm bảo được thì việc cấm ô tô vào sân trường là điều cần phải thực hiện để không phát sinh nguy cơ tai nạn thương tâm cho học sinh.
Theo anh Lại Tường Giang, tài xế có con nhỏ học cấp 2, chỉ nên cho ô tô vào trường ở luồng riêng ngoài giờ học các cháu. Cần tính quy định tiến tới cấm hẳn ô tô đi vào khuôn viên trường học.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp phân tích: Theo Luật giao thông đường bộ 2008, khuôn viên trường học chưa được tính là “đường bộ”, do đó các hành vi điều khiển phương tiện trong khuôn viên trường học chưa có căn cứ xử lý theo Luật này. Hành vi gây tai nạn giao thông trong khuôn viên trường học sẽ xử lý theo bộ luật hình sự nếu để lại hậu quả nghiêm trọng.
“Cơ quan chức năng cần làm rõ sân trường có quy định, biển hiệu cấm xe ô tô không. Trường hợp xác định điều khiển ô tô vào khu vực, vùng cấm thì có thể xử lý tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự”.
Hiện các trường học phổ thông có nội quy khác nhau, chưa thống nhất việc có hay không cấm lái ô tô vào trong khuôn viên trường. Vì vậy, trong khi chờ quy định rõ ràng hơn từ ngành giáo dục, ngành giao thông, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo: Các vụ tai nạn chết người gần đây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự lơ là, tắc trách của phụ huynh, cơ sở giáo dục, cũng như trách nhiệm của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường học đường.