Từ ngày 1/7/2025, khám chữa bệnh tại nhà cũng được hưởng BHYT

Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi chính thức có hiệu lực. Từ đó, phạm vi được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia BHYT mở rộng nhiều hơn.

Báo Dân trí ngày 12/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Từ ngày 1/7/2025, khám chữa bệnh tại nhà cũng được hưởng BHYT” cùng nội dung như sau: 

Ngày 27/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (gọi tắt là Luật BHYT năm 2024).

Tại Khoản 16 Điều 1, Luật BHXH năm 2024 sửa đổi Điều 21 theo hướng mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật BHYT hiện hành quy định người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con.

Luật BHXH năm 2024 bổ sung nhiều trường hợp khác. Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật BHYT năm 2024 quy định người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả các chi phí sau: “Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con”.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Luật BHYT hiện hành quy định người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với 6 nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng.

Luật BHXH năm 2024 bổ sung thành 10 nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng được hưởng quy định này.

Ngoài ra, tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 Luật BHYT năm 2024 còn quy định người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả “chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT”.

Trước đó, báo Tiền Phong ngày 10/12 cũng có bài đăng với thông tin: “Tin vui với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”. Nội dung được báo đưa như sau:

Chiều 10/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm) khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND TPHCM tiến hành giám sát chuyên đề “Công tác quản lý Nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2025”.

Truy trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài

Báo cáo tại đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết số doanh nghiệp nợ BHXH còn nhiều, số tiền nợ cao. Cụ thể, có hơn 17.300 doanh nghiệp đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ 3.055 tỷ đồng của hơn 93.000 người lao động. Trong đó có 40 doanh nghiệp nợ với số tiền lớn từ 6 tỷ đồng trở lên, thậm chí có doanh nghiệp nợ BHXH trên 30 tỷ đồng.

Trong khi đó, công tác cưỡng chế xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp trốn đóng BHXH chưa hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, BHXH TPHCM mới cưỡng chế được 5 đơn vị bằng việc phong tỏa tài khoản với số tiền 200 triệu đồng.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, HĐND TPHCM kiến nghị cấp có thẩm quyền ở Trung ương hướng dẫn việc xử lý đối với các doanh nghiệp nợ BHXH theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những doanh nghiệp nợ kéo dài từ 6 tháng trở lên.

Chậm đóng BHXH hơn 4.500 tỷ đồng

Trao đổi làm rõ, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Nguyễn Quốc Thanh cho biết, tính đến 30/11, toàn thành phố có 50.706 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 75,76%. Thời gian qua, BHXH TPHCM cũng phối hợp UBND các cấp, các sở ngành, hội đoàn thể… tuyên truyền chính sách tham gia BHXH tự nguyện đến từng khu phố; tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn.

Nguyên nhân là do Luật BHXH hiện hành quy định mức đóng BHXH tự nguyện 22% mức thu nhập lựa chọn và chỉ hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động chỉ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%. Mặt khác, để hưởng lương hưu thì phải đóng 20 năm nên tính hấp dẫn chưa cao.

Bên cạnh đó, mặc dù ngân sách có hỗ trợ 30% đối với hộ cận nghèo, 25% với hộ nghèo, tuy nhiên chưa khuyến khích người lao động do mức đóng vẫn còn cao, chế độ chưa hấp dẫn.

Theo ông Thanh, BHXH TPHCM đang cố gắng tập trung để số người tham gia BHXH tự nguyện tới 31/12 vượt mức năm 2023.

Vị này cũng nêu lên điểm khởi sắc trong thời gian tới là Luật BHXH số 41 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đem đến nhiều chính sách mang tính hấp dẫn hơn, như: Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản khi đủ điều kiện với mức 2 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước, được tham gia hưởng chế độ tai nạn nghề nghiệp cũng như chế độ hưu trí được kéo giảm từ 20 xuống còn 15 năm…

Đối với việc nợ BHXH cao, Phó Giám đốc BHXH thành phố cho hay số tiền chậm đóng tính đến ngày 30/11 là 4.504 tỷ đồng. Theo đó, tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động ở một số đơn vị sử dụng lao động, một số doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động.

“Ngành BHXH thành phố cũng tiến hành thanh tra đột xuất 126 đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, trốn đóng; các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH và xử phạt hành chính nhiều đơn vị”, ông Thanh nói.

 

Bài Liên Quan