Lãnh đạo các ngành liên quan cho rằng cần phân định đường có trước hay cột điện có trước để giải quyết tình trạng “cột điện đứng giữa đường”.
Phản ánh của cử tri về tình trạng cột điện đứng giữa đường ở các tuyến đường nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chuyển đến các đại biểu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp 25, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, chiều 5/12.
Theo cử tri, tình trạng một số cột điện “đứng giữa đường” tiềm ẩn mất an toàn giao thông cho người dân và làm mất mỹ quan trên địa bàn. Cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, thực trạng “cột điện vướng vào đường” diễn ra nhiều năm, xuất phát từ khi làm nông thôn mới.
“Trước đây, khi đường nhỏ, cột điện đứng bên đường. Bây giờ làm đường to, tự nhiên cột điện “nhảy” vào đường đứng, rất ảnh hưởng đến giao thông”, ông Hóa nói.
Một cột điện “đứng giữa đường” tại huyện Đô Lương, Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Duy).
Theo ông Hóa, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phân định rõ, là đường giao thông làm vào đường điện hay đường điện làm vào đường giao thông. Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, ở đây là bài toán quy hoạch khi xây dựng nông thôn mới.
“Khi làm đường giao thông thì điện đã có trước. Về nguyên tắc, khi làm quy hoạch đường giao thông phải tránh đường điện nhưng thực tiễn ở cơ sở thì làm đường giao thông vào đường điện dễ giải phóng hơn. Hàng cột có trước thì ngành điện không chịu trách nhiệm. Có đường điện rồi thì phải “lách” quy hoạch.
Nếu không có giải pháp nào khác mà đưa vào quy hoạch phải di dời đường điện cần có dự án. Ngành điện không có kinh phí để xử lý việc này mà chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các dự án đường giao thông phải chịu trách nhiệm nếu di dời”, ông Hóa phân tích.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Thành).
Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An, cho rằng, cột điện nằm trên đường giao thông chủ yếu ở các tuyến đường nâng cấp, cải tạo.
Trước đây, một số trục đường có từ lâu, hệ thống cột điện được đầu tư sau. Các đơn vị quản lý đường điện hay đường viễn thông trồng cột điện trong hành lang giao thông đều phải cam kết bố trí kinh phí để tự di dời khi nâng cấp mở rộng đường,
Đối với đường tỉnh, Sở Giao thông vận tải quản lý, hệ thống cột điện đều nằm trong hệ thống hành lang giao thông. Khi ngành giao thông nâng cấp, mở rộng đường, đều yêu cầu ngành điện lực, ngành viễn thông phải tự bỏ kinh phí để di dời cột điện.
“Đối với đường giao thông nông thôn, kinh phí chủ yếu nhà nước và nhân dân cùng làm. Do vậy, khi nâng cấp, mở rộng, đối với hệ thống cột điện chưa được cam kết thì chủ đầu tư là huyện, xã phải bỏ kinh phí di dời. Do chủ đầu tư không có kinh phí giải phóng mặt bằng nên làm xong đường, cột điện vẫn nằm trên đường”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An chỉ rõ.
Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Nguyễn Thành).
Về giải pháp giải quyết, ông Hiền cho rằng, đối với những tuyến đường mới, đường lớn, có hệ thống đường ống ngầm, việc đưa cột điện ra khỏi đường dễ thực hiện bằng việc cáp ngầm hệ thống điện.
Đối với các tuyến đường cũ, đường giao thông nông thôn, nếu có cam kết thì ngành điện phải di dời. Nếu không có cam kết, trách nhiệm của chủ đầu tư là huyện, xã phải hỗ trợ kinh phí, ngành điện lực phối hợp với chủ đầu tư để di dời .
Về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp phải giải quyết để đảm bảo an toàn, lợi ích chính đáng cho người dân.
“Việc đã rồi, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh phải có giải pháp tham mưu giải quyết dứt điểm vấn đề này. Không để cột đứng giữa đường mãi thế này được”, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nói.
(Theo Dân Trí)