Công dân Việt Nam 60 tuổi trở lên không có lương hưu có số lượng khá nhiều, vậy 60 tuổi không có lương hưu được hưởng chính sách gì?
1. Được hưởng trợ cấp hằng tháng
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, từ ngày 1-7-2025, người lao động nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng lương hưu; đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một đối tượng là chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa đến độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì sẽ được hưởng chính sách trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 như sau:
Người lao động 60 tuổi chưa đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và thêm điều kiện là chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không bảo lưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì được trợ cấp hằng tháng
Đối tượng được hưởng
Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nêu rõ, điều kiện để người lao động được trợ cấp hằng tháng là đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu từ 1-7-2025 – thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực tức là lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng và lao động nữ đủ 56 tuổi 8 tháng, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong đó, điều kiện hưởng lương hưu được nêu tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên và một trong các trường hợp sau đây:
Đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (tức lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng và lao động nữ đủ 56 tuổi 8 tháng) trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 5 tuổi tức là 56 tuổi 3 tháng với lao động nam và 52 tuổi với lao động nữ tính từ 1-7-2025.
Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với điều kiện lao động bình thường (tức là từ 1-7-2025 lao động nam 51 tuổi 3 tháng và lao động nữ 46 tuổi 08 tháng), và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò. Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi làm nhiệm vụ được giao…
– Công dân Việt Nam chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Cụ thể:
Từ đủ 75 tuổi trở lên. Không hưởng lương hưu/trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trừ có quy định khác Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
– Không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu.
– Có yêu cầu được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình theo thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Như vậy, người lao động 60 tuổi chưa đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và thêm điều kiện là chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không bảo lưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì được trợ cấp hằng tháng.
Mức hưởng trợ cấp hằng tháng
Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất được tính theo khoản 3 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng:
– Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.
– Rà soát, xem xét điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội định kỳ 3 năm.
Thủ tục hưởng trợ cấp hằng tháng
Để được hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động đáp ứng điều kiện phải gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong đó:
– Hồ sơ bao gồm:
Sổ bảo hiểm xã hội. Văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hằng tháng.
– Thời gian giải quyết: Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Nếu không giải quyết thì trả lời bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối. (Căn cứ Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
2. Đề xuất được hỗ trợ bảo hiểm y tế
Trước đó, trong khoản 6 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên
Trong đó, người được hưởng trợ cấp hằng tháng là người không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tức dưới 70 tuổi.
Do đó, khi người lao động từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi và thuộc trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi phần các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế không liệt kê đối tượng này mà chỉ đề cập đến:
– Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
– Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
– Trẻ em dưới 6 tuổi;
– Người có công với cách mạng, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, cựu dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến và bảo vệ tổ quốc…
Do đó, trong buổi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế diễn ra vào chiều 24-10, có đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, đây mới dừng lại ở đề xuất trong buổi thảo luận, chưa được luật hóa cũng như đề cập đến trong dự thảo nên chưa có cơ sở để xác định quy định này sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
(Theo Người Lao Động)