Phát hiện mang tính lịch sử này góp phần làm chấn động thị trường vàng quốc tế.
Reuters trích thông tin từ Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc vừa mới phát hiện một mạch quặng vàng khổng lồ, ước tính có trữ lượng hơn 1.000 tấn ở tỉnh Hồ Nam, miền trung nước này.
TV BRICS cho biết, Viện Địa chất Hồ Nam ngày 22/11 đã phát hiện hơn 40 mạch quặng vàng ở độ sâu hơn 2.000 mét dưới bề mặt tại mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang (Hồ Nam, Trung Quốc), chứa khoảng 300 tấn vàng tại khu vực thăm dò cốt lõi.
Việc thăm dò thêm cho thấy trữ lượng trong phạm vi độ sâu 3.000 mét có thể vượt quá 1.000 tấn. Phát hiện mạch vàng mới này được phân loại là trữ lượng “khủng”, với giá trị thị trường khoảng 83 tỷ đô la Mỹ (600 tỷ NDT).
Điều đáng chú ý là một tấn quặng từ độ sâu 2.000 mét chứa tới 138 gram vàng, nhấn mạnh sự giàu có đặc biệt của địa điểm này.
Nhóm thăm dò đã sử dụng các công nghệ tiên tiến như mô hình địa chất 3D để định vị và đánh giá mỏ.
Liu Yongjun, Phó chủ tịch Viện Địa chất Hồ Nam, cho biết phát hiện này là một thành tựu lớn trong chiến lược thăm dò khoáng sản của Trung Quốc. Tuyên bố này cũng khẳng định rằng phát hiện này “có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bảo vệ an ninh tài nguyên của đất nước”.
Giới tài chính quốc tế đánh giá, phát hiện mang tính lịch sử tại Hồ Nam đã gây chấn động thị trường toàn cầu, đẩy giá vàng lên tầm cao mới, CCN cho biết.
Tin tức này – cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng và một số nguyên nhân khác – đã đẩy giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục mới là 2.700 đô la Mỹ một ounce, một lần nữa.
Vàng tăng trở lại trên mức 2.700 đô la Mỹ một ounce sau một phát hiện lớn ở Trung Quốc. Ảnh: GoldPrice
Theo Bloomberg, dự báo giá vàng năm 2025 dao động từ 1.709,47 đô la Mỹ đến 2.727,94 đô la. Các nhà chiến lược của Bloomberg dự đoán rằng cả vàng và “đồng tiền kỹ thuật số” của nó, Bitcoin, đều sẽ tăng giá vào năm 2025.
Vàng đã chứng minh khả năng phục hồi đáng kể, tăng 84% kể từ năm 2015, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt. Một số dự đoán cho rằng giá vàng có thể đạt 7.000 đô la một ounce vào năm 2025.
Trung Quốc thống trị lĩnh vực sản xuất vàng toàn cầu
Mỏ vàng Wangu là một trong những trung tâm khai thác vàng quan trọng nhất của Trung Quốc. Từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đầu tư hơn 100 triệu nhân dân tệ vào hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực này.
Phát hiện này dự kiến sẽ thúc đẩy vị thế của tỉnh Hồ Nam như một nhân tố chính trong ngành khai thác vàng của Trung Quốc và mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho khu vực.
Reuters trích số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, Trung Quốc là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu vào năm 2023.
Nước này đã tiêu thụ 741.732 tấn vàng trong 3 quý đầu năm 2024 trong khi sản lượng chỉ đạt 268.068 tấn, nghĩa là vẫn phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
SCMP cho biết, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào hoạt động thăm dò tài nguyên khoáng sản trong những năm gần đây, với kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 kêu gọi nỗ lực lớn hơn để tăng cường trữ lượng và sản lượng khoáng sản trong nước.
Năm 2024, đầu tư thăm dò của nước này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 110,5 tỷ nhân dân tệ, giúp tăng trữ lượng các nguồn tài nguyên chiến lược bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đất hiếm và vàng.
Vào tháng 9/2024, 4,96 triệu tấn đất hiếm đã được phát hiện tại châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, một vùng xa xôi của tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc.
Vài tháng trước đó, 43,2 tấn vàng dự trữ đã được tìm thấy ở tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc.
Vào tháng 5/2023, mỏ vàng Xiling ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, xác nhận đã phát hiện thêm 200 tấn trữ lượng vàng, nâng tổng trữ lượng lên 580 tấn.
Theo Trang Ly (Nguoiduatin.vn)