Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt – Ngữ Văn: “Viết sách giáo khoa là một công việc rất… “nguy hiểm” ❗️

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng đã đưa ra ý kiến trước những tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà trong SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

ý giải những tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên SGK môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, cho hay: “Mới đây, mạng xã hội có ý kiến trái chiều về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà được dùng làm văn bản đọc ở bài 5, chủ điểm “Thế giới tuổi thơ” trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 5, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên SGK môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Các ý kiến chủ yếu tập trung vào một số từ ngữ bị coi là lạ và khó, nhất là từ “ánh ỏi”; cách gieo vần có vẻ trúc trắc, khó đọc, khó nhớ; nội dung mơ hồ, trừu tượng. Các ý kiến này có thể xuất phát từ những lý do sau:

1. Đọc bài thơ một cách vội vàng, chưa kịp hiểu về tác phẩm đã vội phán xét (có thể do tác động của “đám đông”).

2. Quan niệm về thơ cũ kỹ, nhất là thơ được dùng trong SGK. Theo nhiều người, thơ là phải có vần điệu nghiêm ngặt, đã vần thì phải là vần chính; thơ dạy cho học phải phải dễ đọc, dễ hiểu, nội dung phải tường minh.

3. Quan niệm về giáo dục còn lạc hậu. Nhiều người chỉ muốn học sinh ngày nay học những bài thơ mà ngày xưa họ từng được học bất chấp thực tế ngày nay nhiều thứ đã thay đổi, chẳng hạn học sinh đã thích nghe loại âm nhạc khác, sở thích về trang phục, ẩm thực,… cũng có khác.

4. Học vấn và khả năng đọc văn bản, đặc biệt là khả năng cảm thụ thơ rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho thấy người tham gia trao đổi rất kém tiếng Việt, viết mấy câu ngắn mà mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp, cả đời chưa gặp từ “ánh ỏi” (không phải là điều bất thường) nhưng khi gặp từ này thì cũng không có thói quen tra từ điển, nhầm lẫn giữa Tô Hà với Tô Hoài, không hiểu được nội dung cơ bản của bài thơ, nhầm lẫn giữa đối tượng học sinh được học bài thơ này (học sinh bình thường) với đối tượng học sinh được nói đến trong bài (học sinh khiếm thính).

Thật may mắn và rất đáng mừng là rất nhiều ý kiến đã lên tiếng khẳng định giá trị độc đáo của bài thơ một cách kịp thời, một số người còn cung cấp cho công chúng nhiều thông tin hữu ích về Tô Hà, một nhà thơ cẩn trọng với nghề và có nhân cách đáng kính. Các ý kiến này đều đánh giá “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà là một bài thơ đặc sắc, nhân văn và giàu tính sáng tạo; các chuyên gia giáo dục tiểu học và giáo viên còn cho biết bài thơ này hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 5″.

Nói về từ “ánh ỏi” gây tranh cãi nhất, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng lý giải: “Trong câu “Hót nắng vàng ánh ỏi” có sự chuyển đổi cảm giác giữa nghe và thấy, dựng lên một không gian tươi sáng, ngập tràn ánh sáng và âm thanh. Từ “ánh ỏi” vừa nói đến âm thanh lảnh lói, vừa nói đến không gian đầy ánh sáng bao bọc những âm thanh ấy. Trong “ánh ỏi” vừa có “inh ỏi”, “rộn ràng”, vừa có “lấp lánh”, “lóng lánh”. “Chữ” trong thơ luôn có tính sáng tạo. Nhà thơ có thể tạo ra những từ mới hay kết hợp từ mới để biểu đạt cùng lúc vừa đặc điểm khách quan của sự vật vừa ấn tượng, cảm xúc chủ quan của mình về sự vật đó.

Với học sinh lớp 5, giáo viên chưa cần phải phân tích sâu tính sáng tạo trong cách dùng từ của nhà thơ. Nhưng việc cho học sinh làm quen với tính sáng tạo đó sẽ giúp các em hiểu thơ hơn, để lên các lớp trên, các em có thể tự phân tích được những bí quyết khiến một bài thơ tuy có nội dung bình thường, dễ hiểu nhưng lại gây được khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt cho người đọc.

Các câu hỏi đọc hiểu ngay dưới văn bản đã cho biết thông tin về sự việc được thể hiện trong bài thơ, vì vậy, không cần bổ sung vào SGK bối cảnh sáng tác như một số người đề xuất. Nếu độc giả được nhìn thấy hệ thống câu hỏi đọc hiểu này thì chắc hẳn sẽ đồng tình với ý kiến của các chuyên gia giáo dục tiểu học và các thầy cô đang đứng lớp về tính vừa sức của bài thơ này đối với người học”.

Để tổ chức dạy học bài thơ này, dưới văn bản đọc, SGK thiết kế hệ thống câu hỏi dành cho giáo viên và học sinh, thể hiện yêu cầu đọc hiểu bài thơ này đối với lớp 5. Ảnh: CMH

Chúng ta có thể thấy được gì đằng sau cuộc tranh luận này?

Từ cuộc tranh luận này, PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng chia sẻ 2 vấn đề đáng được quan tâm.

“Thứ nhất: Đổi mới chương trình và SGK là một hành trình vô cùng khó khăn và gian truân. Viết SGK là một công việc rất “nguy hiểm” trong bối cảnh hiện nay.

Đối với SGK Tiếng Việt – Ngữ văn, vấn đề chủ yếu xuất phát từ ngữ liệu. Một bài thơ có nội dung nhân văn được biểu đạt bằng những từ ngữ, hình ảnh thơ đặc sắc, chọn lọc công phu của một nhà thơ có tên tuổi, đáng kính mà vẫn có thể bị chỉ trích thậm tệ thì nhiều tác phẩm văn học khác trong SGK mới khó tránh được nguy cơ trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Một bộ SGK Tiếng Việt – Ngữ văn trọn vẹn từ lớp 1 đến lớp 12 như bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có khoảng 600 văn bản đọc (tác phẩm, đoạn trích), chưa tính đến hàng trăm văn bản được chọn làm bài viết tham khảo cho phần Thực hành viết và hàng trăm đoạn văn ngắn làm ngữ liệu cho phần Thực hành tiếng Việt. Chỉ cần vài văn bản, thường là văn bản văn học, có ý kiến khác biệt là có thể tạo sóng dư luận.

Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5. Ảnh: CMH

Tác phẩm càng mới (có thể mới sáng tác hoặc lâu nay công chúng ít biết đến) càng dễ gây nên những đánh giá trái chiều. Cần lưu ý, chọn được 600 văn bản có chất lượng cao đã khó, chọn được chừng ấy văn bản có chất lượng cao mà phù hợp với yêu cầu của chương trình, với hệ thống chủ điểm của bộ sách, với khả năng tiếp nhận của học sinh ở từng lớp; đáp ứng được vấn đề nhân thân tác giả, giải quyết được vấn đề bản quyền,… khó khăn nhân lên gấp bội.

Quan niệm “truyền thống” về văn chương và về dạy học Ngữ văn với một số mặt bất cập hiện vẫn còn chi phối nhận thức của nhiều người, khiến cho việc đánh giá ngữ liệu trong SGK mới dễ có những ý kiến trái chiều. Đối với nhiều người, những bài thơ có vần, nhịp linh hoạt không được coi là thơ hay, thậm chí “không phải là thơ”. Quan điểm về mục tiêu và nội dung dạy học Ngữ văn ngày nay cũng có những thay đổi mà nhiều người chưa sẵn lòng đón nhận. Một trong những thay đổi đó là ngữ liệu trong SGK phải đa dạng về thể loại, loại văn bản và nội dung; không chỉ tập trung vào những tác phẩm kinh điển mà còn sử dụng những văn bản tươi mới, nêu được những vấn đề của đời sống đương đại để học sinh có cơ hội mở rộng vốn sống, trải nghiệm, khơi gợi các em trình bày, trao đổi về những vấn đề bức thiết đang diễn ra xung quanh, qua đó bồi dưỡng tình cảm, nâng cao nhận thức và phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt, giúp người học bước vào cuộc sống và tham gia vào thị trường lao động một cách thành công.

Ngay từ chương trình năm 2006 và đặc biệt là với chương trình năm 2018, môn Ngữ văn không còn chú trọng cung cấp cho học sinh kiến thức về thành tựu của văn học Việt Nam qua hàng chục thế kỉ như khi ông bà của các học sinh ngày nay còn là những cô cậu học trò.

Khó biết được trong số những người đăng phản hồi tiêu cực về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” có khoảng bao nhiêu người là giáo viên nhưng chắc chắn là có và số lượng không ít. Từ đó, có thể thấy một bộ phận giáo viên còn yếu về kĩ năng đọc hiểu và khả năng cảm thụ văn học. Nếu giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, văn hóa ứng xử tốt và thái độ tích cực đối với đổi mới giáo dục thì những lí do dẫn đến những phản hồi thái quá mà tôi nêu ở trên không còn trở thành vấn đề lớn nữa.

Lo lắng trước thực trạng này, có người đặt vấn đề: Vì sao không bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên trước khi đổi mới chương trình và SGK? Về nguyên tắc là như vậy, nhưng trước khi có chương trình và SGK thì lấy gì để bồi dưỡng giáo viên? Nếu có thì cũng chỉ là những nội dung bồi dưỡng chung chung như đã từng thực hiện và không hiệu quả.

Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng đồng ý với ý kiến cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có chậm trễ so với tiến độ triển khai chương trình và SGK, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng chưa đạt được như mong muốn. Đó là chưa kể điều kiện sống, làm việc của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đa số giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với đổi mới giáo dục, còn không ít giáo viên đuối sức, ngại thay đổi, đây là một trở ngại đáng kể đối với đổi mới chương trình và SGK. Nhân đây, tôi đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ để đảm bảo 20% ngân sách quốc gia hằng năm chi cho giáo dục được chi đủ và chi đúng địa chỉ.

Thứ hai: Mạng xã hội là một công cụ truyền thông quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến công luận. Những người có ý đồ xấu, có quan điểm bảo thủ, lạc hậu dễ lợi dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến cộng đồng, nhưng những tư tưởng tiến bộ, thông tin tích cực cũng có cơ hội được lan tỏa nhanh, đấu tranh hiệu quả với cái xấu, bảo thủ, lạc hậu.

Qua cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” chắc hẳn nhiều người học hỏi được những điều hữu ích theo cách riêng của mình. Ngay cả những người vốn có phản hồi tiêu cực cũng có cơ hội nhìn nhận lại vấn đề và sẽ có ứng xử cẩn trọng, đúng đắn hơn trước những vấn đề quan trọng và nhạy cảm trong tương lai.

Chúng tôi hi vọng công chúng hiểu rõ hơn khó khăn của những người viết SGK, đồng cảm với họ và ủng hộ cái tiến bộ.

Đổi mới giáo dục không bao giờ là dễ dàng, khó tránh khỏi những tranh cãi và xung đột, ngay cả ở những nước phát triển. Giáo dục Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trước nhiệm vụ đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước trong khi đó đầu tư cho giáo dục còn thiếu hụt, tiêu cực trong giáo dục chưa khắc phục đáng kể. Khiếm khuyết, hạn chế, thậm chí sai sót trong biên soạn SGK là khó tránh khỏi, nhưng không phải nghiêm trọng như một số người đang cố tình phóng đại.

Các văn bản được đưa vào SGK là kết quả của quá trình tìm kiếm, lựa chọn rất chuyên nghiệp, công phu, tâm huyết và đầy trách nhiệm của đội ngũ tác giả; có sự biên tập tỉ mỉ, cẩn trọng của đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản, sự góp ý của giáo viên dạy thử nghiệm, hội đồng thẩm định nội bộ của nhà xuất bản, ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu và cuối cùng là sự thẩm định nghiêm ngặt (nhiều khi khắc nghiệt), tận tụy của hội đồng quốc gia thẩm định SGK trước khi SGK được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.

Các văn bản được đưa vào SGK có chất lượng rất khác nhau, thuộc các thể loại, loại văn bản khác nhau, đáp ứng yêu cầu của chương trình từ các phương diện khác nhau, nên tác giả các văn bản cũng thuộc nhiều “đẳng cấp” khác nhau, nhưng tất cả đều đáng được trân trọng (hay ít nhất là không nên bị xúc phạm) và nỗ lực của tác giả SGK cũng như những thành phần khác có liên quan đến quá trình làm sách, thẩm định sách cần được ghi nhận. Nếu có quan điểm, cách nhìn nhận khác biệt về một vấn đề nào đó thì nên trao đổi trên tinh thần thấu hiểu và có sự tôn trọng. Dù gì đi nữa thì gần như tất cả trẻ em Việt Nam từ 6 đến 18 tuổi đến trường hàng ngày hiện nay đều đang học 3 bộ SGK mà Bộ đã phê duyệt”.

Cuộc tranh luận về bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà có lẽ đã gần đi đến hồi kết. Nhưng những vấn đề gốc rễ gây nên sóng gió cho bài thơ này thì vẫn còn đó.

PGS.TS. Đỗ Hải Phong, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có lí khi anh viết trên trang FB cá nhân: “Sự vô minh của đám đông độc giả mạng chỉ tạm thời lắng xuống. Nó vẫn giơ cao nanh vuốt tiếp tục rình rập cơ hội để vùi dập những giá trị chân chính mỗi lúc ai đó “lỡ lời” chia sẻ băn khoăn với toàn cõi mạng. Mong các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đọc có suy nghĩ hãy cảnh giác. Xin đừng tiếp tay cho sự vô minh theo kiểu “đẽo cày trên cõi mạng” như vậy nữa”.

 

Next Post

🔥Cháy khủng khiếp tại công ty giày da: Mất trắng gần 100 tỷ đồng, hàng nghìn người phải nghỉ việc❗️

T4 Th10 9 , 2024
Công ty xảy ra cháy hiện đang sản xuất giày cho một nhãn hàng nổi tiếng thế giới. Vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng lớn đến các công nhân làm việc tại đây. Lửa khói bốc cao tại hiện trường vụ cháy hôm […]

Bài Liên Quan