Nhiều ý kiến cho rằng việc chi 14 tỷ đồng chống sạt lở để bảo vệ 5 hộ dân là không phù hợp. Chủ đầu tư cho biết, dự án này không chỉ bảo vệ dân mà còn ngăn sạt lở gây chia cắt đường giao thông.
4 năm thực hiện hai dự án chống sạt lở
Năm 2021, núi Van Cà Vãi, huyện Sơn Hà, sạt lở gây hư hại nhà dân, đe dọa tính mạng của 24 nhân khẩu sống dưới chân núi.
Tháng 6/2021, huyện Sơn Hà chi 3 tỷ đồng chống sạt lở khẩn cấp. Tháng 10/2022, dự án hoàn thành. Tuy nhiên, dự án này quá “mỏng manh” so với hiện trạng sạt lở của núi Van Cà Vãi. Đất đá vẫn sạt trượt, 5 hộ dân dưới chân núi tiếp tục sống trong bất an.
Núi Van Cà Vãi sạt lở gây hư hỏng nhà dân (Ảnh: Quốc Triều).
Tháng 11/2023, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiểm tra hiện trạng sạt lở núi Van Cà Vãi. Tại đây, ông Hiền chỉ đạo huyện Sơn Hà phải có giải pháp căn cơ nhằm chống sạt lở có hiệu quả.
Trong đó, ông Hiền yêu cầu huyện Sơn Hà đề xuất phương án xây dựng khu tái định cư tại cánh đồng phía đối diện khu vực sạt lở nhằm sớm tổ chức di dời, tái định cư 5 hộ dân dưới chân núi.
Tuy nhiên, sau đó huyện Sơn Hà quyết định đầu tư 14 tỷ đồng theo diện khẩn cấp để tiếp tục chống sạt lở. Những hộ dân dưới chân núi vẫn không được di dời.
Dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi lần thứ hai sắp hoàn thành (Ảnh: Quốc Triều).
Sau khi báo chí phản ánh về dự án, ông Trần Phước Hiền đã chỉ đạo Cơ quan Thường trực về phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi lập đoàn kiểm tra hiện trường.
Đoàn kiểm tra phải yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giải trình rõ giải pháp thiết kế, an toàn công trình. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có hướng chỉ đạo tiếp theo.
Chủ đầu tư nói gì?
Sau hơn 2 tháng được thi công, dự án khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi, huyện Sơn Hà, đã hoàn thành việc bóc lớp đất đá bề mặt, giật cấp mái taluy, tạo hệ thống rãnh thu nước bề mặt. Đơn vị thi công đang xây dựng tường chắn rọ đá, hạng mục cuối cùng của dự án.
Ông Lê Hồng Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà, đại diện chủ đầu tư dự án, đã thông tin với phóng viên Dân trí một số vấn đề dư luận đang quan tâm.
Trước khi thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã tính phương án di dời dân đến khu tái định cư. Tuy nhiên, qua nhiều lần họp lấy ý kiến, một số hộ dân không đồng ý di dời.
“Một số hộ dân có nhà, đất rộng, lại đang sinh sống, kinh doanh ổn định nên không muốn di dời vào khu tái định cư”, ông Anh thông tin.
Do người dân không đồng tình di dời nên huyện Sơn Hà thực hiện phương án chống sạt lở núi. Theo chủ đầu tư, dự án này không chỉ bảo vệ 5 hộ dân mà còn ngăn chặn sạt lở gây chia cắt tuyến đường DH77 nằm sát chân núi.
Ông Anh cho biết thêm, tuyến đường DH77 nối trung tâm huyện Sơn Hà với xã Sơn Bao, thủy điện Nước Trong và 1 trường tiểu học, nếu sạt lở xảy ra, tuyến đường này có thể bị chia cắt.
Về ý kiến lo ngại khi bạt núi chống sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở, ông Anh cho rằng đây là phương án tối ưu. Chủ đầu tư đã mời các chuyên gia, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nền, móng công trình hỗ trợ khảo sát, lập phương án thiết kế.
“Chúng tôi đã nhờ Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Tư vấn kỹ thuật nền móng thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế của dự án”, ông Anh nói thêm.
Dù núi Van Cà Vãi được chống sạt lở nhưng một số hộ dân dưới chân núi vẫn chưa yên tâm (Ảnh: Quốc Triều).