Con chim lạ bay vào ngôi nhà ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Một số người cũng không dám bắt con chim vì nó có mỏ dài, khá dữ. Đây là chim cao cát bụng trắng.
Ngày 20-4, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận một con chim cao cát bụng trắng do chị Nguyễn Thị Minh Châu (ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) tự nguyện giao để đưa về cứu hộ theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, chị Châu cho biết, ngày 18-4, một con chim lạ không biết từ đâu bay vào nhà người hàng xóm.
Con chim cao cát được người dân bắt lại, bàn giao cho kiểm lâm. Ảnh: NT
Phát hiện sự việc, người hàng xóm đuổi nhưng con chim này không bay đi, vẫn ở trong nhà. Một số người cũng không dám bắt con chim vì nó có mỏ dài, khá dữ.
Hàng xóm sau đó nhờ chồng của chị Châu qua bắt con chim này lại.
Con chim sau đó sẽ được kiểm lâm đưa về trung tâm cứu hộ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định. Ảnh: NT
Chị Châu lấy trái cây cho chim ăn và tìm hiểu trên mạng thì biết được đây là chim cao cát bụng trắng, thuộc loài quý hiếm, được bảo vệ.
Mong muốn chim được chăm sóc cứu hộ, chị Châu đã liên hệ, bàn giao giao con chim trên cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM.
Đến tiếp nhận chim đưa về chăm sóc cứu hộ theo quy định, kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM xác định đây là chim cao cát bụng trắng, nặng khoảng 0,4kg, tên khoa học là Anthracoceros albirostris, thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Con vượn đen má vàng thuộc nhóm IB được người dân bàn giao cho kiểm lâm. Ảnh: NT
Cùng ngày 20-4, thông tin từ Chi cục kiểm lâm TP.HCM cũng tiếp nhận và đưa về cứu hộ một con vượn má vàng do một người ở quận Phú Nhuận tự nguyện giao. Vượn má vàng trên nặng khoảng 3kg, tên khoa học là Nomascus annamensis thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae) là một loài linh trưởng quý hiếm đặc hữu chỉ có ở Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Campuchia). Loài vượn này được xếp vào nhóm Nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới (IUCN) do số lượng cá thể ngày càng giảm sút do nạn săn bắn làm thú cưng, làm thuốc, nấu cao và mất môi trường sống.
Vượn đen má vàng có kích thước tương đối (khoảng 7kg), con đực trưởng thành có bộ lông đen tuyền với hai bên má màu vàng cam nổi bật, con cái có bộ lông vàng nâu hoặc cam nhạt.
Vượn đen má vàng sống theo gia đình nhỏ gồm 2-5 cá thể gồm bố mẹ và các con, di chuyển chủ yếu bằng cách đu trên cây. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn chính là trái cây, lá cây, chồi non, côn trùng,…
Đây là loài vượn nổi tiếng với tiếng “hót” vang vọng, du dương vào sáng sớm và chiều tối. Tiếng “hót” của chúng kéo dài chừng 15 phút, đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp và đánh dấu lãnh thổ.
Vượn đen má vàng được đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới hiện nay.
Nguyễn Tân