Nợ phí ngân hàng tiền triệu dù tài khoản không sử dụng

Một số ngân hàng vẫn định kỳ thu phí với tài khoản không hoạt động nhiều năm khiến không ít người tá hoả vì bỗng dưng nợ phí cả triệu đồng.

Sau sự việc một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng, nhiều người chủ động gọi tới tổng đài ngân hàng để kiểm tra các tài khoản và thẻ ngân hàng được mở từ nhiều năm trước mà không sử dụng, mới phát hiện có khoản nợ phí, lên tới triệu đồng.

Mới đây, chị Thảo (TP HCM) gọi tới Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) để kiểm tra tài khoản thanh toán lâu không sử dụng, bất ngờ được nhân viên thông báo đang nợ phí hơn hai triệu đồng.

Khoản nợ phí này gồm phí thông báo biến động số dư 49.000 đồng mỗi quý và phí quản lý tài khoản 11.000 đồng hàng tháng, do tài khoản không duy trì đủ số dư từ năm 2018 đến nay.

Chị Thảo cho biết đây là tài khoản công ty bắt buộc mở từ cách đây chục năm để nhận lương hàng tháng. Sau đó, công ty lại yêu cầu chuyển sang mở tài khoản ngân hàng khác để nhận lương, nhưng cũng không khuyến cáo gì về việc đóng tài khoản ngân hàng cũ để tránh mất phí.

“Trong khi đó, nhiều năm qua, tôi không giao dịch bằng tài khoản này và cũng không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào từ ngân hàng thông báo thu phí hàng tháng”, chị Thảo nói.

Trong một hội nhóm mạng xã hội có hàng nghìn thành viên, nhiều người là nhân sự cũ nơi chị Thảo làm việc, cũng phản ánh tình trạng tương tự. Tùy thuộc vào gói tài khoản, dịch vụ và số năm không sử dụng, có người nợ phí từ vài trăm nghìn đến triệu đồng.

Tài khoản của một khách hàng âm gần 2 triệu đồng do nợ phí ngân hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trường hợp khác là anh Hương (TP HCM), sau khi gọi điện thoại đến tất cả ngân hàng nơi mình từng có tài khoản, anh phát hiện ra mình bị nợ phí ở cả hai nhà băng, là Ngân hàng Đông Á (DongABank) vài trăm nghìn đồng và Eximbank hơn 1 triệu đồng.

“Nhân viên nhà băng nói nếu muốn đóng tài khoản, tôi phải thanh toán khoản nợ phí này. Nếu không đóng, tôi lo tới ngày nào đó mình nợ tới cả chục triệu đồng nếu cứ bị tính phí hàng năm như vậy”, anh Hương nói.

Hiện Eximbank và DongABank đều chưa phản hồi về các trường hợp này.

Trên thực tế, khách hàng nợ phí dịch vụ không được tính là vay ngân hàng, do đó không ảnh hưởng tới lịch sử tín dụng cũng như bị xếp vào diện nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng thường không tính lãi trên các khoản phí phát sinh hàng kỳ này.

Việc một người sở hữu nhiều tài khoản không sử dụng là rất phổ biến. Tài khoản ngân hàng được mở để “ủng hộ” người quen chạy chỉ tiêu, hoặc mở để nhận lương ở cơ quan cũ nhưng không sử dụng, là tình huống nhiều người dùng tài khoản ngân hàng đều gặp.

Hiện mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau với tài khoản để lâu không hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn nhà băng trên thị trường như Vietcombank, Agribank, MB, MSB, HDBank, Techcombank… đều có chính sách tạm khóa hoặc đóng tài khoản nếu chủ tài khoản không giao dịch và duy trì số dư từ 6 tháng đến 3 năm.

Việc ngân hàng tạm khóa hay đóng tài khoản thanh toán cá nhân không hoạt động, vừa giúp chính nhà băng không phát sinh chi phí quản lý, đồng thời giúp chủ tài khoản tránh được những khoản phí phát sinh trong trường hợp không dùng đến hoặc bỏ quên.

Next Post

Bị đề nghị t.ử h.ình, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ngất xỉu

T4 Th3 20 , 2024
Chiều 19/3, sau phần luận tội, đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị t.ử h.ình bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong […]

Bài Liên Quan